Sản xuất rau an toàn công nghệ cao theo chuỗi

Sản xuất rau an toàn công nghệ cao theo chuỗi
Phát triển sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao nói riêng và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói chung là hướng đi tất yếu.
tr12.jpg
Anh Lê Quốc Đức (Trang trại rau thủy canh Đức Tín, Phường 8, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) hướng dẫn du khách thu hoạch rau xà lách thủy canh. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Phát triển sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao nói riêng và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói chung là hướng đi tất yếu, đã và đang tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tuy nhiên, để thu hút được các nguồn lực vào nông nghiệp công nghệ cao, cần sớm tháo gỡ khó khăn về cơ chế cũng như hiệu quả thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển.

Tiềm năng song nhiều thách thức

Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, nước ta đã hình hành nhiều vùng sản xuất rau tập trung áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), tổ chức sản xuất, sơ chế kinh doanh tiêu thụ rau an toàn (RAT) khá thành công.

Các tỉnh có diện tích và năng suất trồng rau lớn là: Tiền Giang 51,5 nghìn hecta, năng suất 202,4 tạ/ha; An Giang 33,3 nghìn hecta, năng suất 218,6 tạ/ha... Những tỉnh, thành có năng suất đạt cao  là Lâm Đồng 331,5 tạ/ha, TP. Hồ Chí Minh  315,6 tạ/ha, Hải Dương 231 tạ/ha, Thái Bình 223,2 tạ/ha, Hưng Yên 234,8 tạ/ha…

Năm 2019, kế hoạch sản xuất rau cả nước khoảng 970 nghìn hecta, tăng 8,4 nghìn hecta so với năm 2018, năng suất ước đạt 195 tạ/ha, tăng khoảng 17,2 tạ/ha; sản lượng 18,92 triệu tấn, tăng 1,83 triệu tấn (10,7%).

Theo đại diện Cục Trồng trọt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nền nông nghiệp được ứng dụng hợp lý công nghệ mới, tiên tiến nhằm tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản. Mô hình này đồng nghĩa với việc tổ chức sản xuất nông nghiệp phải được thực hiện trên quy mô tương đối lớn và đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, công nghệ sản xuất.

Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao vẫn gặp phải không ít thách thức, nhất là tiếp cận đất đai, nguồn vốn, phát triển thị trường cho sản phẩm...

Bên cạnh đó, sản xuất, kinh doanh rau gặp nhiều rủi ro, vì thế, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế. Nếu có thì cũng chỉ là một số doanh nghiệp nhỏ, thiếu bền vững. Ngoài ra, còn thiếu mạng lưới kinh doanh rau chất lượng cao, RAT, sản lượng rau tiêu thụ qua hệ thống cửa hàng còn thấp.

Đặc biệt, an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề rất nan giải trong sản xuất rau hiện nay, quy trình sản xuất RAT đã được ban hành song việc tổ chức sản xuất và kiểm tra giám sát thực hiện còn kém, kết hợp với trình độ dân trí và tính tự giác chưa cao của người sản xuất đã cho ra các sản phẩm không an toàn, giảm sức cạnh tranh của nông sản.

Thị trường tiêu thụ chưa ổn định, kể cả thị trường trong và ngoài nước do sản xuất của chúng ta chưa chủ động về số lượng và chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Định hướng phát triển

TS. Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết: “Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, như nắng nóng, mưa bão thất thường gây ra dịch bệnh cho cây trồng. Vì vậy, chúng ta đưa cây trồng vào trong nhà màng, nhà lưới sẽ hạn chế nhiều dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Nhằm định hướng và tìm ra giải pháp phát huy có hiệu quả lợi thế về tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương trong sản xuất RAT ứng dụng công nghệ cao, TS. Trần Văn Khởi đề xuất một số giải pháp như: Khuyến nông tiếp tục hỗ trợ thực hiện một số mô hình áp dụng công nghệ cao, tập huấn năng lực sản xuất, quản trị trang trại cho nông dân.

Phát huy có hiệu quả lợi thế về tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng tiểu vùng sinh thái, hình thành và quy hoạch để đầu tư phát triển các vùng chuyên canh sản xuất rau, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn tạo hàng hóa tập trung, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường RAT chất lượng cao.

Khuyến khích các doanh nghiệp, người sản xuất liên kết để thành lập hợp tác xã, hiệp hội sản xuất, tiêu thụ RAT để nâng cao tính cạnh tranh; có cơ chế, khuyến khích, hỗ trợ việc hình thành và hoạt động của các hợp tác xã, hiệp hội.

Đặc biệt, hình thành các chuỗi liên kết RAT có sự tham gia của người sản xuất, sơ chế - chế biến- phân phối, kinh doanh - tiêu thụ. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về sản xuất và tiêu thụ RAT. Phát triển các chợ đầu mối gắn với các vùng sản xuất lớn. Cần duy trì và xây dựng một số chợ quy mô nhỏ để thuận tiện cho việc tiêu thụ RAT ở các vùng sản xuất lớn nằm xa chợ đầu mối.

Chính sách thu hút doanh nghiệp và một số mô hình thành công

Nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp công nghiệ cao được ban hành nhằm thu hút các “đầu tàu” đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất - nhập khẩu, được cấp đất và miễn tiền sử dụng đất, được miễn, giảm thuế sử dụng đất đai, được ưu đãi về tín dụng, được cấp toàn bộ hoặc một phần kinh phí cho các dự án khoa học và công nghệ, được đầu tư một phần hoặc toàn bộ trang thiết bị phục vụ nghiên cứu chuyển giao công nghệ (Điều 12, Luật Công nghệ cao).

Hiện, có một số đơn vị đã thành công với mô hình chuỗi sản xuất rau an toàn như  Vingroup. Năm 2016, hệ thống nhà kính VinEco Tam Đảo do Vingroup đầu tư có diện tích 4,5ha, sử dụng công nghệ sản xuất rau mầm Microgreen được cung cấp duy nhất bởi công ty Teshuva Agricultural Projects (TAP) đến từ Israel.

Nhờ hệ thống nhà kính trồng rau mầm, trồng rau bằng phương pháp thủy canh, VinEco không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu rau sạch trong nước mà còn hướng tới mang thương hiệu nông sản sạch Việt gia nhập thị trường quốc tế. Hiện nay, tập đoàn đã và đang mở rộng diện tích gieo trồng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế.

Thành công trong mô hình trồng rau công nghệ cao phải kể đến Công ty TNHH Đà Lạt GAP, với hơn 15ha đất canh tác được trang bị hệ thống nhà kính hiện đại. Phương thức canh tác tiên tiến, áp dụng phương pháp trồng cây trên giá thể, bón phân, tưới nước được cài đặt qua hệ thống tự động. Hệ thống này sẽ kiểm soát lượng phân bón, pH, nước tưới cho từng giai đoạn của cây trồng và ở các khu vực khác nhau. Đây là công nghệ mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tiện lợi trong canh tác. Công việc ươm giống đã được cơ giới hóa từ khâu xây giá thể, nhồi giá thể vào vỉ, rửa vỉ và gieo hạt bằng máy… nên năng suất lao động tăng gấp 5-7 lần so với làm thủ công.

Công ty đã xây dựng quy trình trồng cà chua vô hạn, có thân dài trên 15m, năng suất trên 300 tấn/ha (gấp 5 lần phương pháp canh tác bình thường). Xây dựng hoàn chỉnh quy trình trồng ớt sừng ngọt (Bull’s horn Capsicum) trên giá thể, năng suất 200 tấn/ha (sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản)…

Nghiên cứu sản xuất và cung cấp giống rau sạch bệnh

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao TBKT Nông nghiệp (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam - Viện KHKTNNMN), trong nghề trồng rau từ xưa đến nay, với phương thức sản xuất nhỏ, tự sản tự tiêu, việc ươm cây giống hầu hết do các hộ gia đình tự làm. Rất ít nơi có người chuyên sản xuất cây giống bán cho người khác, nếu có, thường là hộ gia đình có nguồn hạt giống tốt, ươm bán cây con thay vì bán hạt giống để “độc quyền”. Khi tự ươm lấy cây giống, chất lượng cây giống tuỳ thuộc trình độ mỗi hộ và thường thì chất lượng không tốt. Một nhược điểm nữa của việc tư ươm giống là hay bị lỡ kế hoạch, có thể do trục trặc khi gieo: cây mọc ít, bị mưa hay sâu bệnh làm chết một phần hay toàn bộ cây giống.

Tại Lâm Đồng, nghề ươm cây giống đã hình thành và phát triển từ lâu, nhất là trong khoảng mươi năm gần đây, khi nhà màng xuất hiện, cho phép có thể chủ động sản xuất cây giống quanh năm, không sợ mưa bão.  Lâm Đồng hiện có khoảng 200 trại ươm giống rau hoa cung cấp cho khoảng 30.000ha gieo trồng rau hàng năm.

Các loại rau được ươm sẵn gồm cà chua, cà tím, ớt, bắp cải, su hào, cải xanh, cải thảo, xà lách và hành. Từ năm 2003 đến nay, Viện KHKTNNMN đã huấn luyện kỹ thuật và tư vấn cho nông dân xây dựng trại phù hợp cho việc ươm, ghép cây cà chua. Hiện đã có 70 trại vừa ươm cây rau khác, vừa ghép cà chua.

Với người sản xuất rau thương phẩm, không phải lo gieo ươm, chỉ cần đặt mua nên hoàn toàn chủ động thời vụ, số lượng và chất lượng cây giống. Cây giống đảm bảo: đồng đều, sạch bệnh... Với người ươm cây giống, để có chất lượng cây giống tốt, cần đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, có lao động, kỹ thuật và kinh nghiệm. Ví dụ, đầu tư xây dựng một trại giống 2.000m2, cần khoảng 700-800 triệu đồng, 10 công nhân, mỗi năm có thể lãi 200 triệu đồng. Một trại như vậy có thể phục vụ cho khoảng 60-70ha gieo trồng. Với một vùng chuyên canh rau, việc phân công, hợp tác, người ươm giống và người trồng trọt sẽ hỗ trợ nhau, cả 2 đều có lợi. Đây là mô hình tổ chức rất đáng học tập.

Hiện nay, Viện KHKTNN miền Nam đang chuyển giao kỹ thuật xây dựng trại ươm cây giống, ghép cây rau tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, An Giang, Trà Vinh  và TP.Hồ Chí Minh với diện tích vườn ươm khoảng 10ha và trên 250 hộ gieo  ươm (trung bình 2.000m2/hộ).

 Đăng Quang
Nguồn tin: https://kinhtenongthon.vn