Sản xuất rau an toàn theo chuỗi: Hài hòa lợi ích hai chiều

Sản xuất rau an toàn theo chuỗi: Hài hòa lợi ích hai chiều
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, sản xuất rau vẫn mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, khó kiểm soát chất lượng, chưa tạo được niềm tin với người tiêu dùng… Trước thực trạng đó, thành phố đã có nhiều giải pháp tích cực trong xây dựng mô hình sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết nhằm kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tạo mối quan hệ hài hòa lợi ích hai chiều (sản xuất - tiêu dùng).
 
Một mô hình sản xuất rau an toàn .

Giám sát cả quy trình

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, thành phố hiện có 48 cơ sở sơ chế rau an toàn, cũng chính là 48 chuỗi tiêu thụ rau an toàn theo liên kết dọc; 100% chuỗi do từ 2 đến 4 đơn vị thực hiện. Trong đó, 9/48 chuỗi tự tổ chức sản xuất rau, không thu gom; 23/48 chuỗi vừa sản xuất, vừa thu gom và 16/48 chuỗi chỉ thu gom, không sản xuất rau. Việc thu gom rau có 2 hình thức: Ký hợp đồng với các hợp tác xã, cơ sở sản xuất rau an toàn và ký hợp đồng trực tiếp với các hộ nông dân sản xuất. 

Rau an toàn có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị với sản lượng 20.000 tấn/năm (chiếm 5% sản lượng rau an toàn). Ngoài ra, Chi cục đang phối hợp với các địa phương xây dựng 20 chuỗi rau an toàn, từng bước kiểm soát chất lượng rau bán trên thị trường…

Theo bà Lưu Thị Hằng - Trưởng phòng Rau (Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội), để thực hiện chuỗi sản xuất rau an toàn, Chi cục đã phối hợp với các địa phương tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn cho nông dân, đồng thời phối hợp với hợp tác xã hướng dẫn nông dân thực hành trên đồng ruộng. Sau đó lấy mẫu đất, nước, kiểm nghiệm vùng trồng rau… Khi đạt các yếu tố, Chi cục sẽ đánh giá, cấp giấy chứng nhận chất lượng vùng rau đủ điều kiện sản xuất an toàn… Thông qua việc giám sát, kiểm tra chéo giữa các địa phương sản xuất rau an toàn, cho thấy, không còn tình trạng nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. 

Năm 2017, Chi cục phối hợp với các cơ sở xây dựng 20 mô hình kiểm tra cộng đồng và mở các lớp tập huấn, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất rau an toàn, lựa chọn nước tưới, cách sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Đa (Phúc Thọ) Hoàng Văn Tùng cho biết: Việc liên kết các hộ dân trồng rau theo chuỗi an toàn, đúng quy trình luôn bảo đảm chất lượng và giá cả tiêu thụ ổn định…

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Phát triển vùng sản xuất rau sạch, an toàn và bền vững, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng là một trong những mục tiêu quan trọng của thành phố nhằm kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ trong tiêu dùng. Tuy nhiên, hầu hết các chuỗi chỉ tiêu thụ được một phần nhỏ sản lượng thông qua các hợp đồng với bếp ăn tập thể, siêu thị, còn lại, đa số phải bán buôn, bán lẻ tại chợ dân sinh, chịu sự cạnh tranh về giá với các loại rau thường, gặp khó khăn trong tiêu thụ, bởi đa số người tiêu dùng vẫn lạ lẫm với khái niệm “rau an toàn”. 

Bên cạnh đó, diện tích sản xuất tại các mô hình chuỗi còn nhỏ lẻ, manh mún, nên việc kiểm soát chất lượng chưa hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, tại một số địa phương, chính quyền chưa quyết liệt khi xử lý vi phạm về kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sai quy định; một vài nơi sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã rau an toàn và nông dân chưa chặt chẽ; vai trò của hợp tác xã hạn chế, hầu như không làm khâu dịch vụ, còn lúng túng trong khâu kết nối tiêu thụ sản phẩm. Một vấn đề nữa, chính sách cho kinh doanh rau an toàn chưa được hỗ trợ hợp lý về chợ đầu mối, điểm bán hàng, vốn đầu tư…

Để khắc phục, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng khẳng định: Mặc dù còn khó khăn, nhưng việc sản xuất rau an toàn theo chuỗi sẽ dần hoàn thiện quy trình theo chuẩn. Chi cục tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình chuỗi rau an toàn để truy xuất nguồn gốc đến từng hộ; tăng cường hỗ trợ đào tạo nông dân, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chú trọng kiểm nghiệm an toàn thực phẩm; đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Để hiệu quả hơn, rất cần vai trò của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền tới nhân dân; đặc biệt, tại các mô hình sản xuất theo chuỗi, cần hướng dẫn nông dân thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật và tập kết đúng nơi quy định…

Ngoài ra, Chi cục phối hợp với các đơn vị tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về sản xuất rau an toàn tại các vùng rau; cung cấp địa chỉ cơ sở sản xuất rau an toàn để người tiêu dùng lựa chọn, sử dụng sản phẩm nông sản bảo đảm chất lượng. Chi cục phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức các lớp tập huấn cho người sản xuất rau an toàn; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng để rau an toàn “góp mặt” thường xuyên trong bữa ăn của mọi gia đình.

Tác giả bài viết: Quỳnh Dung

Nguồn tin: Báo Hà Nội Mới