Sản xuất thuận thiên, biến đất 9 rồng thành vùng du lịch nông nghiệp

Sản xuất thuận thiên, biến đất 9 rồng thành vùng du lịch nông nghiệp
Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tạo ra động lực giúp các địa phương trong vùng thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), ở đó tinh thần “thuận thiên” được phát huy cao độ.

Thuận thiên sẽ thành công

Hơn 10 năm trước, xã Tam Bình (Cai Lậy, Tiền Giang) còn là một vùng chuyên canh lúa, xâm nhập mặn khiến cây lúa không thể sống nổi, bà con mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Ông Đặng Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Tam Bình cho biết: "Hiện, toàn xã có 1.500ha sầu riêng, đưa Tam Bình trở thành một trong những vựa sầu riêng lớn ở ĐBSCL. So với những cây trồng khác, sầu riêng cho hiệu quả kinh tế gấp 5 - 7 lần, còn với lúa là gấp đến 15 - 20 lần, nên hầu như nhà nào trong xã cũng trồng sầu riêng. Nhờ loại cây mới này, xã hiện có đến 30% số hộ có thu nhập khá cao, còn hộ có thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm thì vô cùng nhiều. Hiện, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt trên 52 triệu đồng/năm".

 san xuat thuan thien, bien dat 9 rong thanh vung du lich nong nghiep hinh anh 1

  Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh thăm vùng chuyển đổi sang trồng thanh long để tránh hạn mặn ở xã Kiểng Phước, Gò Công Đông, Tiền Giang. Ảnh: A.T

Khi thị sát những mô hình chuyển đổi diện tích lúa bị xâm nhập mặn sang cây trồng khác, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: “Đây là một hình mẫu của quá trình chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, biến bất lợi (hạn, xâm nhập mặn) thành lợi thế”.

Tương tự, nông dân xã Kiểng Phước (Gò Công Đông, Tiền Giang) đã chuyển nhiều diện tích lúa bị xâm nhập mặn sang trồng thanh long ruột đỏ thành công, với thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. Chỉ sau 4 năm, diện tích thanh long ruột đỏ ở Kiếng Phước đã đạt gần 100ha, giá trị thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/năm.

Trên thực tế, đây chỉ là 2 trong số nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất thích ứng với BĐKH thành công. Nông nghiệp ĐBSCL đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản; cơ cấu sản xuất chuyển dịch tích cực theo hướng thị trường, thích ứng hơn với BĐKH, đảm bảo chất lượng và năng lực cạnh tranh.

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp ĐBSCL chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, trái cây; giảm lúa. Giai đoạn 2015 - 2018, diện tích gieo trồng lúa giảm mạnh từ 4,3 triệu ha xuống 4,1 triệu ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng từ 742.700ha lên 807.300ha, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng từ 35,4% lên 42%. Diện tích trái cây tăng từ 308.600ha lên 347.600ha, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành trái cây tăng từ 9,1% lên 10,2%.

Sản xuất đổi mới, thu nhập của người dân được cải thiện giúp diện mạo nông thôn vùng ĐBSCL khởi sắc. Tính đến tháng 5, toàn vùng có 516 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 40,1%), gấp 2,7 lần so với thời điểm năm 2015, bình quân đạt 15,43 tiêu chí/xã.

Không cứng nhắc duy trì sản xuất lúa

ĐBSCL là một trong những vùng hứng chịu nặng nề nhất tác động BĐKH. Tốc độ sụt lún trung bình dự báo đến năm 2040 là 1,5 - 3cm/năm nếu không kiểm soát được khai thác nước ngầm, mực nước ngầm giảm trung bình khoảng 0,2 - 0,4m/năm. Trong 50 năm tới, khoảng 47% diện tích của vùng bị ảnh hưởng bởi độ mặn 4‰ và 64% diện tích ảnh hưởng bởi độ mặn 1‰.

Vì vậy, chủ trương của Bộ NNPTNT là cơ cấu lại nông nghiệp ĐBSCL bền vững theo 3 vùng (vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển). Xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo. Phát triển ĐBSCL thành vùng du lịch nông nghiệp, sinh thái đặc thù.

Cụ thể, vùng thượng sẽ phát triển nông nghiệp đa dạng, có tính đến thích ứng với lũ cực đoan; là vùng trọng điểm về sản xuất lúa và cá tra theo hướng hiện đại, bền vững. Vùng giữa phát triển nông nghiệp miệt vườn điển hình, là trung tâm chuyên canh trái cây lớn nhất ĐBSCL và cả nước. Vùng ven biển phát triển nông nghiệp dựa chính vào nước mặn và lợ, phát huy lợi thế thủy sản; kết hợp vùng lúa gạo đặc sản, các cây trồng sử dụng ít nước ngọt và chịu mặn.

Với từng mặt hàng, chủ trương của Bộ NNPTNT cũng có sự điều chỉnh linh hoạt. Theo đó, ngành lúa gạo không cứng nhắc duy trì sản xuất lúa và xuất khẩu gạo số lượng lớn, chỉ giữ ở mức tối thiểu có chất lượng và lợi nhuận tốt. Đến năm 2030, tại ĐBSCL, diện tích canh tác lúa dự kiến giảm 220.000 - 300.000ha. Trái cây phát triển hướng tới thị trường trong và ngoài nước giá trị cao. Đến 2030, tổng diện tích trái cây của vùng đạt khoảng 680.000ha.

Thủy sản sẽ phát triển ngành tôm và cá tra trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với BĐKH và bảo vệ môi trường sinh thái, hướng mạnh ra xuất khẩu.

Anh Thơ/http://danviet.vn
X
em bài viết gốc tại đây!