Sáng chế máy móc chế biến nông sản

Sáng chế máy móc chế biến nông sản
Từ một nhân viên thú y, vì để phục vụ chế biến những nông sản quê hương, anh đã trở thành một nhà sáng chế máy móc.

 
Anh Cường bên chiếc máy tách hạt sachi. Ảnh: V.Quỳnh
Anh Cường bên chiếc máy tách hạt sachi. Ảnh: V.Quỳnh

Từ máy phục vụ chế biến tinh bột nghệ, máy thái sâm đại hành cho tới máy tách quả, tách nhân hạt sachi, anh Trần Mạnh Cường, tổ dân phố Đông Anh 1, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà đang cho xuất xưởng những chiếc máy phục vụ người dân chế biến các mặt hàng nông sản.
 
Ghé thăm xưởng cơ khí của anh Trần Mạnh Cường, giữa tiếng gò, hàn xì xèo, anh Cường giới thiệu với khách hàng chiếc máy tách hạt sachi, sản phẩm hiện đang được khách hàng rất ưa chuộng. Xuất phát là dân thú y nên anh Cường vốn gắn bó với nông thôn, thân thuộc với những sản vật trên mảnh đất kinh tế mới Nam Ban. Chính vì vậy, sản phẩm máy móc đầu tay của anh cũng là sản phẩm gắn với việc chế biến nông sản, đấy là sâm đại hành. Anh kể: “Vốn làm chuyên nghề thú y nhưng gia đình tôi có thu mua sâm đại hành về sơ chế cung cấp cho các tiệm đông dược. Thấy thái tay vất vả quá, tôi mày mò tra cứu, lên mạng internet tìm cách làm ra cái máy chuyên thái sâm đại hành. Mày mò vài tháng, tẩn mẩn làm đi làm lại cái máy thái sâm cũng ra đời, đỡ bao nhiêu công cho gia đình”. Máy thái các loại củ trên thị trường có nhiều, cũng có thể xắt được sâm đại hành. Điều đặc biệt của chiếc máy anh Cường làm ra là nó thái củ sâm đại hành theo chiều dọc, vừa giúp miếng sâm không nát, khi sử dụng ngâm hoặc nấu, miếng sâm nở ra tạo hình rất đẹp. Vì vậy, sản phẩm sâm của gia đình được ưa chuộng, vừa đỡ công lao động phổ thông.
 
Không ngừng lại ở máy thái sâm, thấy địa phương trồng nhiều nghệ đỏ chất lượng cao mà tiêu thụ khó, anh Cường và gia đình nảy ra ý định làm tinh bột nghệ. Làm tinh bột nghệ tốn nhiều công sức, vậy là anh làm ra dàn máy phục vụ chế biến tinh nghệ gồm máy rửa, máy xay, máy vắt để ra sản phẩm cuối là nước cốt lắng lọc, khử dầu cho ra tinh bột nghệ nguyên chất. Dàn máy này đã giảm tới 80% công lao động sản xuất tinh bột nghệ. Vì vậy, dân địa phương xung quanh tới mùa thu hoạch là mang nghệ tươi tới nhờ anh gia công. Hiện sản phẩm tinh nghệ đỏ Nam Ban làm không kịp bán do nhu cầu của thị trường khá cao, củ nghệ trồng ra không sợ “ế” hàng.
 
Giới thiệu với khách chiếc máy tách hạt sachi chuẩn bị xuất xưởng, anh Trần Mạnh Cường rất tự hào chia sẻ đây là sản phẩm đang được khách hàng ưa chuộng, đơn đặt hàng rất đều đặn. Anh Cường cho biết, cây sachi mới được trồng ở Lâm Hà vài năm nay và đã cho thu hoạch quả. Khoảng năm 2017, nhiều nông hộ đã thu trái, tách hạt sachi để bán nhưng do hạt sachi có vỏ cứng, hình dẹp nên khá khó khăn cho nông dân. Anh cũng tìm hiểu máy móc tách hạt sachi trên thị trường thì thấy thông tin rất ít. Vậy là anh mày mò đọc các trang thông tin nước ngoài, nghiên cứu đặc điểm của hạt sachi để tìm ra cách tách hạt hiệu quả. Anh mày mò làm từng công đoạn, chỗ nào chưa rõ làm thử nghiệm, sai hỏng làm lại. Và sau gần 2 tháng, chiếc máy tách quả, tách hạt sachi ra đời. Nông dân sau thu hoạch, cho nguyên trái vào máy tách quả để ra hạt sachi còn vỏ đen. Sau khi phơi khô, không cần vất vả tách bằng tay mà đổ hạt vào cối máy là có những mẻ hạt sachi bóng nhẵn.
 
Anh Cường cho biết, máy tách hạt sachi của anh cho nhân hạt trắng đẹp, tỉ lệ vỡ chỉ xấp xỉ 3%. Ở phía dưới, có một hệ thống sàng giúp phân loại kích cỡ hạt, rất tiện lợi cho bà con. 
 
Là nông dân, gắn bó với nông dân nên anh Cường chú trọng vấn đề sản xuất máy theo nhu cầu của bà con. Với máy tách hạt sachi, anh chia làm hai dòng máy, máy phục vụ xay thuê, xay gia công cho nông dân và máy dành cho các nhà máy chế biến hạt. Với máy xay thuê, yêu cầu cao nhất là tỷ lệ ra nhân nguyên vẹn cao, không được dập nát. Với dòng máy này, anh cải tiến bộ phận tách hạt để đảm bảo nhân không vỡ, hạt nào còn ẩm, không tách vỏ được sẽ tự động rơi ra ngoài. Với dòng máy cho các nhà máy chế biến, yêu cầu là công suất cao, anh đều đáp ứng được đầy đủ. Hiện tại, máy tách hạt sachi của anh Trần Mạnh Cường đạt công suất 400 kg/h hoạt động, giá thành chỉ bằng 40% giá máy nhập. Đánh giá về máy tách hạt sachi, ông Nguyễn Văn Diện, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, chiếc máy hoạt động rất hiệu quả, giúp nông dân chế biến hạt sachi theo đúng yêu cầu của các công ty thu mua, tiết kiệm rất nhiều sức lao động cho nhà nông. 
 
Tận tâm, hiểu và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, máy tách quả, tách hạt sachi của anh Trần Mạnh Cường được khách hàng từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk đặt hàng. Nhiều công ty nước ngoài cũng mua máy từ xưởng cơ khí của anh thay cho nhập những chiếc máy ngoại đắt tiền. Người nông dân của vùng kinh tế mới chia sẻ, anh sáng chế máy móc phục vụ chế biến những sản phẩm nông nghiệp của quê hương.

Tác giả bài viết: DIỆP QUỲNH

Nguồn tin: baolamdong.vn