Sẽ lập ban điều phối phát triển nông sản

Tăng cường việc liên kết giữa các địa phương để phát triển bền vững các sản phẩm chủ lực là vấn đề được nhiều đại biểu tranh luận sôi nổi tại Hội nghị Góp ý dự thảo quyết định thành lập Ban điều phối phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, thủy sản và trái cây vùng ĐBSCL.

Người dân Hậu Giang thu hoạch xoài.

Hội nghị trên do Bộ NNPTNT phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ) tổ chức ngày 10.6 tại TP.Cần Thơ.

Tồn tại nhiều bất cập

Ông Nguyễn Văn Sánh-Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho biết: “Vùng ĐBSCL có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc sản xuất của người dân vẫn gặp nhiều khó khăn, năng lực quản lý kém, sản phẩm làm ra có giá trị và tính cạnh tranh thấp”.

Theo ông Sánh, kết quả rà soát chính sách phát triển 3 sản phẩm chủ lực của vùng cho thấy còn nhiều bất cập, ít chính sách đầu tư về phân tích nhu cầu thị trường; thiếu lồng ghép; thủ tục hành chính rườm rà và thiếu đánh giá phản hồi; chưa giải quyết được hài hòa lợi ích cho các bên tham gia…

Ông Lê Văn Bảnh- Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nêu dẫn chứng thực tế từ việc triển khai cánh đồng mẫu lớn để minh họa cho ý kiến này. Theo ông Bảnh, cánh đồng mẫu lớn đã phát triển tốt nhưng chỉ có một vài DN tham gia nên tình trạng trúng mùa rớt giá vẫn diễn ra.

Cần bàn tay Ban điều phối

Khẳng định về sự cần thiết của đề án, ông Nguyễn Văn Hòa-Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam cho biết: “Hiện nay, nông dân sản xuất khá bài bản nhưng xuất khẩu rất kém. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã xây dựng rất nhiêu mô hình xuất khẩu trái cây nhưng chưa mang lại hiệu quả. Vì vậy, việc đề án được xây dựng là rất cần thiết”.

Còn về việc thành lập Ban điều phối, ông Võ Hùng Dũng- Giám đốc phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ kiến nghị: “Tôi đề nghị, lãnh đạo Bộ NNPTNT cần xem xét sao cho cấu trúc gọn nhẹ, ưu tiên xem xét đến nhóm phân tích thị trường để đưa ra dự báo chính xác”. Nhận định, đây là vấn đề cần thiết và bức xúc, ông Nguyễn Phong Quang- Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Tây Nam Bộ cũng đề xuất Bộ NNPTNT sớm xem xét đề án để có những sửa đổi, bổ sung.

Theo BCĐ Tây Nam Bộ, đề án trên do BCĐ Tây Nam Bộ cùng nhiều nhà khoa học, các viện, trường trong vùng xây dựng, đã trình với Bộ NNPTNT và đang chờ được duyệt. Theo đề án này thì có 5 dự án cụ thể, trong đó có 3 dự án phát triển và tiêu thụ lúa gạo, cây ăn quả, cá tra và tôm. Dự kiến, thời gian thực hiện 5 năm và tổng kinh phí khoảng 350,1 tỷ đồng.
 
Trả lời về việc này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đồng ý chủ trương liên kết vùng ĐBSCL và việc thành lập Ban điều phối. “Thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ chủ trì cuộc họp và mời các bộ, ngành trao đổi đi đến thống nhất các vấn đề có liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ”-Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.
Theo Danviet.vn