Sẽ tăng mức xử phạt gấp 7 lần giá trị hàng hoá vi phạm an toàn thực phẩm

Để tăng tính răn đe, trong thời gian tới, mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ tăng lên rất nhiều so với giá trị của lô hàng.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho biết những hành vi vi phạm thực phẩm sẽ “nở rộ” vào những ngày cận Tết. Nhiều cơ sở chế biến thực phẩm có hiện tượng “găm" hàng mua gom từ những mặt hàng trôi nổi, không đảm bảo chất lượng để tồn trữ tại các kho lạnh bảo quản, đến lúc gần Tết sẽ tung ra làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm. Các mặt hàng được chế biến từ những nguyên liệu tươi sống thường là giò chả, lạp xưởng…
 
Theo đó, ngày 23/1, đoàn kiểm tra phát hiện gần 4 tấn thịt heo được bảo quản trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, thiếu kệ pallet kê cao thực phẩm. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn ghi nhận công ty TNHH SX TM Hoàn Nam đang sơ chế răng mực trong điều kiện không đảm bảo, tường trần nền khu vực sơ chế bám bẩn, thiếu chế độ vệ sinh định kỳ. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vụ việc.
 
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, bà Từ Thị Thúy Nga và ông Nguyễn Thanh Hải là chủ lô hàng thịt heo đã làm đơn xin tự nguyện tiêu hủy lô hàng thịt heo nêu trên. Đồng thời, đoàn lập biên bản lấy 2 mẫu mực ống và răng mực đi xét nghiệm các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh theo quy định.
 
Đoàn kiểm tra đã phát hiện 4 tấn thịt heo được bảo quản trong điều kiện không đảm bảo, chuẩn bị đưa ra thị trường. Ảnh: BQLATTP
 
Trước thực trạng trên, bà Lan cho biết, trước mắt Ban sẽ tập trung tổng kiểm tra, rà soát những kho lạnh trên địa bàn thành phố; đồng thời mời chủ kho lạnh đến để làm việc. Bên cạnh đó, Ban sẽ xử phạt thật nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.
 
“Sắp tới, mức tiền xử phạt sẽ tăng hơn rất nhiều, có thể tăng đến gấp 7 lần giá trị lô hàng. Giá trị lô hàng được tính bằng giá trị sản phẩm đang được bán trên thị trường”, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm cho biết.
 

 

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chiều 24/1, bà Phạm Khánh Phong Lan cũng cho biết, hiện Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đang triển khai công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm một cách quyết liệt nhằm ngăn ngừa, không cho thực phẩm bẩn vào thành phố. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đã thành lập 12 đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với các Đội quản lý an toàn thực phẩm tại các quận, huyện và liên tục phát hiện các vụ việc thực phẩm bẩn trong thời gian qua.
 
Theo báo cáo của Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, trong năm 2017, qua quá trình thanh kiểm tra, đoàn kiểm tra đã kiểm tra 31.704 trường hợp, phát hiện vi phạm 9.478 trường hợp, trong đó phạt tiền 3.161 trường hợp với tổng số tiền lên đến hơn 13,5 tỷ đồng.
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, TP Hồ Chí Minh là địa phương có nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn nhất cả nước, do đó thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
 

 

Đan Phương/Báo Tin tức