Siết chặt chất cấm trong chăn nuôi

Siết chặt chất cấm trong chăn nuôi
Cách đây 3 - 4 năm, thông tin chất cấm đã làm nông dân khổ sở vì giá thực phẩm sụt giảm khi nhiều doanh nghiệp làm ăn gian lận, vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm bị tố giác.
Sau khi Bộ NN-PTNT và Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ, tình trạng sử dụng chất cấm tạm lắng xuống. Nhưng trong một hội nghị về chăn nuôi tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi Việt Nam cho biết, trên thực tế tình trạng chất cấm vẫn đang tồn tại chứ không phải đã chấm dứt.

Và trong một cuộc thanh tra mới đây của Bộ NN-PTNT tại các tỉnh ở lân cận TPHCM cho thấy không chỉ các thương lái lợi dụng bơm chất cấm vào gia súc khi vận chuyển về các thị trường lớn để tiêu thụ như báo chí vẫn phản ánh mà ngay cả một vài tập đoàn, công ty lớn có thương hiệu và chi phối đáng kể thị phần thức ăn chăn nuôi lẫn thực phẩm tại Việt Nam cũng có dấu hiệu trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi để bán hoặc cung cấp cho các trang trại, chủ hộ nuôi heo gia công.

Lâu nay chúng ta nói nhiều đến vấn nạn bơm nước, chất kích thích, thuốc ngủ cho heo hoặc sử dụng chất bảo quản để giữ thịt heo tươi lâu. Nhưng bây giờ vì lợi nhuận, người ta còn trộn cả chất cấm, chất tạo nạc vào thức ăn chăn nuôi (gian lận từ gốc)… cho thấy mức độ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng đáng báo động và thể hiện sự bất lực hoặc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng.

Ngay sau khi có thông tin này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã yêu cầu tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chất cấm - chủ yếu là chất sulbutamol (tạo nạc) tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, ngay trong văn bản quản lý chất cấm của các cơ quan chức năng vẫn còn bất cập và tạo kẽ hở cho gian lận.

Cụ thể là trong khi Thông tư 28 của Bộ NN-PTNT quy định các chất thuộc nhóm Beta-agonist thuộc danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thì Bộ Y tế lại cho nhập khẩu để điều trị bệnh, dẫn tới khó quản lý, doanh nghiệp lợi dụng để tuồn vào Việt Nam với mục đích trộn lẫn thức ăn chăn nuôi để “kích thích” người chăn nuôi sử dụng chất cấm.  

Để kịp thời quản lý chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist, từ năm 2012, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư 57 quy định việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các chất cấm trong chăn nuôi, mức xử phạt tối đa 20 triệu đồng mỗi trường hợp nhưng hiện nay nhiều người cho rằng mức phạt quá nhẹ, chỉ như “đá ném ao bèo” đối với những cơ sở lớn nhưng làm ăn gian lận, phi đạo đức.

Đồng thời, chính thông tư này cũng quy định cho phép tồn dư chất cấm trong chăn nuôi ở mức nhất định. Nhưng theo đề xuất của nhiều người, đã là chất cấm thì không thể cho sử dụng và không chỉ phạt mà cần nâng mức xử lý hành vi sử dụng và mua bán chất cấm trong chăn nuôi lên mức hình sự mới đủ răn đe, đẩy lùi chất cấm. Phải coi đó là một tội như tội làm hàng giả!

Chất tạo nạc là những chất hóa học có đặc tính khiến vật nuôi tăng lượng nạc, giảm mỡ. Trong nhóm Beta-agonist, có 3 chất gồm: sabutamol, ractopamine, clenbuterol nhưng sabutamol là chất được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam. Những nguy cơ từ sabutamol đã được cảnh báo, đặc biệt là về nguy cơ gây ung thư. Đáng sợ nhất là khi nguồn thịt heo ăn chất cấm này vào các nhà ăn tập thể của công nhân, trường học, bệnh xá, nhà hàng hoặc thông qua thực phẩm chế biến sẵn thì dù người tiêu dùng có thông thái đến đâu cũng chịu thua, sức khỏe của rất nhiều người sẽ bị ảnh hưởng.

Trước vấn nạn nhức nhối này, hàng chục triệu người tiêu dùng, người dân chỉ còn biết trông chờ vào vai trò và trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Để xóa sổ chất cấm phải triệt tận gốc, các bộ có liên quan như Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và Bộ Công an phải vào cuộc điều tra các doanh nghiệp đưa chất cấm vào thức ăn chăn nuôi, vì lợi nhuận mà coi thường sức khỏe của người tiêu dùng chứ không thể làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, không triệt để.

Theo SGGP