Sóc Trăng: Cho dù đất phèn mặn vẫn cho thu nhập gần 2 tỷ đồng

Sóc Trăng: Cho dù đất phèn mặn vẫn cho thu nhập gần 2 tỷ đồng
Chọn trồng mãng cầu gai ghép gốc bình bát được xem là khởi đầu cho sự thành công mới của nông dân ở Sóc Trăng.

Khởi nghiệp ở vùng đất trũng, nhiễm phèn mặn, rất khó khăn nhưng bằng sự tâm huyết, nỗ lực, sức sáng tạo, áp dụng vào điều kiện thổ nhưỡng, ông Lê Văn Vui ngụ ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng đã thành công với mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp trồng trọt kết hợp chăn nuôi, giúp ông thu về hơn tỷ đồng mỗi năm.

 

soc trang: cho du dat phen man van cho thu nhap gan 2 ty dong hinh 0
Ông Lê Văn Vui đang chăm sóc giống mãng cầu gai ghép gốc bình bát
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, khi ấy ông Lê Văn Vui lập gia đình, với mảnh đất 7.000 m2 ông trồng  mía và lúa. Do đất trũng thường xuyên bị ngập úng lại bị nhiễm phèn mặn nên hiệu quả khá thấp. Khi dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau được hình thành những năm sau đó, có nước ngọt, ông Vui liền bắt tay vào trồng thêm nấm rơm cùng chăn nuôi heo để tăng thêm thu nhập.

 

Qua hơn 10 năm canh tác, ông Vui dần phát hiện, cây mía đã không còn phù hợp, ông quyết định chuyển sang trồng cây mãng cầu gai ghép gốc bình bát với số lượng 500 gốc. Ông Vui cho biết, giống cây trồng này chịu được ngập nước và phèn mặn. Đây cũng là cây trồng có tiềm năng phát triển kinh tế ổn định. 

Chọn trồng mãng cầu gai ghép gốc bình bát được xem là khởi đầu cho sự thành công mới của ông Vui trong tìm tòi, phát hiện và nhân rộng cây trồng thích hợp với điều kiện đất đai , thổ nhưỡng vùng trũng, nhiễm phèn mặn của Mỹ Quới.

Sau thời gian chăm sóc, mãng cầu gai bắt đầu cho kết quả. Theo ông Vui tính toán, từ năm 2006 – 2010, gia đình ông thu về hơn 200 triệu đồng/năm từ mãng cầu gai. Không bỏ qua cơ hội phát triển tiềm năng loại cây trồng này, ông đã nhân rộng lên 1,3ha với hơn 1000 gốc mãng cầu gai ghép gốc bình bát. Riêng năm 2015, mãng cầu gai được chính bàn tay ông ghép cho sản lượng 27 tấn, thu hơn 500 triệu đồng. Đặc biệt, với cách làm cho trái rải vụ nên thị trường đầu ra luôn ổn định, đảm bảo lợi nhuận cao.

Bên cạnh cây mãng cầu gai, 3 giống cây con còn lại là lúa, nấm rơm và chăn nuôi heo cũng mang về thu nhập đáng kể cho gia đình ông Lê Văn Vui hàng trăm triệu đồng.

Với kinh nghiệm cùng tư duy thăm dò thị trường để hướng tới sản xuất hiệu quả, ông Vui đã chuyển từ sản xuất giống lúa thường sang lúa cao sản, đặc sản, đáp ứng yêu cầu thị trường nên bán có giá và thu về lợi nhuận cao.  Năm ngoái gia đình ông thu lãi đạt gần 300 triệu đồng từ trồng lúa cao sản. Ngoài ra ông còn xuất ra 14 tấn heo hơi và 1 tấn nấm rơm; tổng lợi nhuận của 2 cây con này cũng đạt khoảng 140 triệu đồng.

Hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp đạt hiệu quả kinh tế cao với cây mãng cầu gai ghép gốc bình bát của ông Vui đã được nhân rộng.

Ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, cho biết, sự nỗ lực của ông Vui đã góp công lớn đưa vùng đất phèn mặn chỉ canh tác lúa và mía ngày nào, giờ đã phủ đầy cây mãng cầu gai ghép với gốc bình bát, vừa thích ứng biến đổi khí hậu, vừa cho lợi nhuận cao.

Với thành tích đạt được, ông Vui được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền. Đặc biệt, năm 2015, ông vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng 3 vì đã có thành tích xuất sắc áp dụng mô hình kỹ thuật cao trong sản xuất, đem lại hiệu quả. Mới đây nhất ông được Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016”./.

 
Thạch Hồng/VOV-ĐBSC