Sóc Trăng: Sản xuất lúa đặc sản đạt tiêu chuẩn VietGAP

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị của hạt gạo Sóc Trăng, sáng ngày 14 tháng 02 năm 2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng phối hợp với phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm, Ủy ban nhân dân xã Tân Long tổ chức Hội thảo tổng kết Mô hình sản xuất lúa đặc sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, với sự tham gia của lãnh đạo các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ xã và hơn 20 nông dân trong và xung quanh khu vực thực hiện mô hình.

Mô hình sản xuất lúa đặc sản đạt tiêu chuẩn VietGAP được thực hiện tại Hợp tác xã nông nghiệp Long Thành, ấp Long Thành, xã Tân Long, thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) trên diện tích 63,8 ha, sử dụng giống lúa RVT, ST24, với 15 hộ tham gia. Ban đầu, cơ sở vật chất của các thành viên hợp tác xã còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu về vệ sinh an toàn sản xuất như không có nhà kho, địa điểm pha thuốc, nhà vệ sinh tự hoại… Tuy nhiên, sau 6 tháng nỗ lực, dưới sự hướng dẫn của đơn vị tư vấn, sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, chính quyền địa phương và sự hợp tác của các thành viên tham gia mô hình, đến nay, tất cả 15 hộ tham gia đều đáp ứng được các yêu cầu theo quy định tại TCVN 11892-1: 2017 của Bộ Nông nghiệp & PTNT và được Công ty TNHH Công nghệ NhoNho cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm khi tham dự hội thảo

 

Trao đổi tại Hội thảo về khó khăn trong quá trình thực hiện mô hình, ông Huỳnh Văn Thủ, Giám đốc Hợp tác xã Long Thành cho biết: Mặc dù quy trình sản xuất lúa theo VietGAP có rất nhiều quy định nhưng nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của các ngành chức năng mà việc thực hiện cũng khá thuận lợi. Bên cạnh đó, các thành viên Hợp tác xã cũng đã được làm quen với các quy trình sản xuất tiên tiến như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm nên việc làm theo cũng khá dễ dàng. Còn theo ông Thạch Dinh, thành viên tham gia mô hình: “Lúc đầu tôi cũng gặp chút khó khăn do chưa hiểu quy trình VietGAP là gì nhưng khi được tham gia tập huấn, hướng dẫn thực hiện thì thấy cũng dễ làm”.

Ông Lê Tuấn Danh – Phó Chủ tịch xã Tân Long chia sẻ: Hợp tác xã Long Thành đang là Hợp tác xã sản xuất lúa được Thị xã Ngã Năm chọn làm Hợp tác xã điểm ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất. Sắp tới Phòng kinh tế thị xã sẽ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 để định vị các hộ sản xuất, theo dõi quy trình canh tác nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời hướng dẫn để bà con sản xuất theo quy trình GlobalGAP đáp ứng tiêu chuẩn an toàn toàn cầu.

Theo ông Trần Vĩnh Nghi – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Chi cục sẵn sàng hỗ trợ bà con về kỹ thuật canh tác để giúp bà con sản xuất ngày càng an toàn, đạt hiệu quả kinh tế. Ông Nghi cũng nhắc nhở Ban Quản trị Hợp tác xã Long Thành cần có kế hoạch lâu dài trong công tác duy trì chứng nhận an toàn khi không còn được hỗ trợ.

Được biết mô hình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã Long Thành nằm trong khuôn khổ Đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016 -2020. Đến nay, toàn tỉnh đã có 07 Hợp tác xã tại 07 huyện, thị xã thuộc vùng đề án là Ngã Năm, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, Trần Đề, Long Phú, Châu Thành và Mỹ Tú đạt chứng nhận an toàn VietGAP trên diện tích 330,99 ha. Hy vọng với sự nỗ lực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, sự chung tay của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và sự hưởng ứng của bà con nông dân, Sóc Trăng sẽ dần dần hình thành các vùng sản xuất lúa an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, góp phần tạo nên nền sản xuất lúa bền vững.

Bùi Chúc Ly

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng/ Khuyến nông