Sóc Trăng hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao

Sóc Trăng hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao
Theo Quyết định số 423/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, tỉnh sẽ có nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững gắn với công nghiệp và dịch vụ…, GDP bình quân đầu người đạt 3.300 USD/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5%. Đến nay, những định hướng này đang dần hình thành rõ nét.

Quảng bá mạnh nông sản có lợi thế cạnh tranh

Là tỉnh nằm cuối sông Hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long, đất đai ở Sóc Trăng có độ màu mỡ cao, thích hợp cho việc phát triển nông nghiệp và nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản. Ðến cuối tháng 9-2018, toàn tỉnh xuống giống 357.151 ha lúa, trong đó, lúa đặc sản 177.459 ha, chiếm 50% diện tích, đạt 105,8% kế hoạch, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2017; thu hoạch 348.551 ha, sản lượng 2,12 triệu tấn, đạt 101,5% kế hoạch, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Tình hình liên kết tiêu thụ lúa giữa nông dân và doanh nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, có khoảng 60 đại lý, công ty, doanh nghiệp tham gia ký bao tiêu. Do giá lúa thu mua cao, nông dân có lợi nhuận khoảng 19,36 triệu đồng/ha, bảo đảm đạt 30% lợi nhuận so với chi phí sản xuất. Hiện, tỉnh đang tích cực tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến và xuất khẩu gạo; chế biến các sản phẩm từ gạo; trồng và chế biến nấm rơm. Sóc Trăng có vùng trồng hành tím 6.600 ha sản lượng 99.575 tấn, tập trung ở thị xã Vĩnh Châu. Hành tím Vĩnh Châu đã có thị trường xuất khẩu ở Thái-lan, Ấn Ðộ, Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a... Sóc Trăng có dải cù lao chạy dài ra tận cửa biển, là điều kiện lý tưởng để phát triển nhiều loại cây trái nhiệt đới. Hiện toàn tỉnh có gần 50.000 ha trồng các loại cây ăn quả như bưởi, xoài, sầu riêng, nhãn, mận, vú sữa, dừa, cam, chanh, chuối... Mới đây, đã có doanh nghiệp nhận bao tiêu 45 ha vú sữa xuất khẩu. Các sản phẩm như bưởi, dừa và xoài đang liên kết tiêu thụ với một số tỉnh, thành phố trong vùng.

Diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh hơn 71.000 ha. Trong đó, nuôi tôm nước lợ là 50.000 ha; có 65 ha nuôi cá tra, 80 ha nuôi tôm càng, 830 ha nuôi Artemia (một loại ấu trùng làm thức ăn cho tôm, cá). Tổng sản lượng thủy, hải sản hằng năm đạt 253.362 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng là 186.632 tấn và sản lượng khai thác biển là 63.160 tấn; tổng giá trị xuất khẩu hàng thủy sản hằng năm đạt 570 triệu USD. Hiện nay, tỉnh đang phát triển rất mạnh nghề chăn nuôi tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố với tổng đàn gia súc gần 341.000 con và gần 7 triệu gia cầm. Tổng đàn bò sữa của tỉnh hiện đạt 9.720 con, sản lượng sữa đạt 2.880 tấn/năm.

Phát huy nội lực, kêu gọi đầu tư

Ðến nay, công tác thu hút đầu tư vào tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chuyển biến tích cực khi ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội đầu tư và triển khai dự án tại địa phương. Lĩnh vực nông nghiệp, có ba dự án tiêu biểu là "Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp điện mặt trời" ở Phân trường Mỹ Phước, Phân trường Thạnh Trị và dự án "Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao" ở Phân trường Phú Lợi đang được các nhà đầu tư đẩy mạnh triển khai. Trong khi chờ đợi, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã tích cực chuẩn bị cho việc hình thành vùng sản xuất lớn, đạt chuẩn với sự vào cuộc tích cực của nông dân. Khoe với chúng tôi bản hợp đồng tiêu thụ lúa đạt chuẩn VietGAP, Giám đốc hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Phước An, xã Phú Tân, huyện Châu Thành Kim Sài Huil, người dân tộc Khmer cho biết: "Ðến nay đã có 24 xã viên đầu tư khoảng 64 ha trồng lúa chuẩn VietGAP. Vụ này, lúa trúng mùa, được giá, doanh nghiệp thu mua cao hơn giá thị trường từ 7 đến 10% cho nên ai cũng phấn khởi. Bây giờ, bà con tự nguyện đăng ký vào HTX ngày càng đông".

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Sóc Trăng, chín tháng đầu năm 2018, tỉnh thành lập mới 10 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp của toàn tỉnh lên 131 đơn vị, với 8.756 thành viên. Toàn tỉnh có 1.193 tổ hợp tác với hơn 25.000 thành viên. Tỉnh đã chọn 15 HTX tham gia mô hình thí điểm theo đề án "Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020". Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trần Vĩnh Nghi chia sẻ: "Trước đây, nghe nói canh tác theo chuẩn VietGAP, nhà nông rất e ngại, nhưng khi các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, tập huấn về quy trình rành rẽ, bây giờ các xã viên HTX còn tự tìm hiểu chuẩn GlobalGAP để ứng dụng".

Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Sóc Trăng Lương Minh Quyết cho biết, qua đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy tiềm năng triển khai ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao rất lớn. Hiện có nhiều doanh nghiệp đã tập trung phát triển xây dựng vùng nguyên liệu ứng dụng công nghệ cao, đồng thời liên kết một số HTX nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, ASC. Ðiều đáng mừng là sự tham gia mạnh mẽ của nông dân vào các mô hình sản xuất tập thể, hình thành chuỗi liên kết với sự đoàn kết, chia sẻ để cùng phát triển kinh tế. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn xây dựng nông thôn mới thích ứng biến đổi khí hậu để nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Hiện tỉnh đang thực hiện chủ trương xây dựng ở mỗi xã có hai đến ba mô hình phát triển sản xuất tập trung gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, hiện nay, Sóc Trăng vẫn còn đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Việc tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn, giá nông sản thường xuyên biến động. Số lượng doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân mới chủ yếu ở sản phẩm lúa. Cơ giới hóa trong sản xuất chỉ đáp ứng cho một số khâu sản xuất như làm đất, thu hoạch, vận chuyển; cơ giới hóa trong sản xuất rau màu còn nhiều hạn chế...

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện khẳng định, Sóc Trăng sẽ phát huy đến mức cao nhất lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn lực và kinh tế - xã hội của từng vùng sinh thái để ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng cơ giới trên quy mô lớn phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách về kêu gọi đầu tư ứng dụng công nghệ cao đến các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài… Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân và doanh nghiệp, Sóc Trăng sẽ nỗ lực vượt khó, xây dựng thành công nền nông nghiệp công nghệ cao, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà nghị quyết Ðảng bộ tỉnh đã đề ra.

 

Bài và ảnh: NGUYỄN PHONG/ Nhân dân