Sợi dây bền chặt
- Thứ sáu - 15/05/2015 03:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Một góc thị trấn Tuy Phước. Ảnh: Lưu Văn |
Từ khi công tác tại huyện Can Lộc và giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy đến nay, tôi đã có khoảng 10 lần vào ra Tuy Phước và cũng chừng ấy lần đón tiếp anh em Tuy Phước tại Can Lộc. Mỗi lần như thế, chúng tôi đều chuẩn bị rất chu đáo. Và lần nào cũng vậy, trái tim tôi đều dâng lên một cảm giác hồi hộp như thể đứa con đi xa lâu ngày trở về quê hương bản quán. Ngay từ lần đầu chạm bóng quê bạn, tôi đã cảm nhận được sự gần gũi, thân thương trong những bóng dừa rũ mềm đường thôn, trong cử chỉ và ánh mắt ân cần của người dân Tuy Phước dành cho người Can Lộc. Và mỗi lần ra Can Lộc, cảm nhận của anh em, bạn bè cũng vậy, cũng thân thương như gốc lúa, bờ kênh quê nhà.
Sự gặp gỡ và gắn kết ấy giữa Can Lộc và Tuy Phước cũng không hẳn là tình cờ mà đó như là duyên trời định… Người xưa kể lại rằng, hồi cụ Đào Tấn - một người con của quê hương Tuy Phước đang làm quan ở Nghệ An thì chùa Hương của Hà Tĩnh bị cháy và chính cụ là người có công lớn trong việc xây dựng lại ngôi chùa thiêng này; để đến nay, ngôi chùa trở thành một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của quê hương Can Lộc. Mối duyên ấy còn được nhắc đến khi nhà thơ Xuân Diệu ra đời là sự kết tinh tuyệt diệu của 2 dòng mạch văn hóa Tuy Phước – Can Lộc.
Sợi dây gắn kết từ hàng trăm, hàng chục năm trước tiếp tục xuyên suốt trong tâm hồn nhân dân 2 huyện thời đại mới. Trong chiến tranh, để thắt chặt mối tình gắn bó giữa 2 tỉnh, 2 huyện, nhiều đơn vị, công trình ở 2 quê hương đều được đặt tên là Bình Hà. Ở Can Lộc, năm 1963 có công trình hồ chứa nước Bình Hà (Nga Lộc) phục vụ tưới tiêu cho nhiều xã, giúp cho việc sản xuất và chiến đấu được thuận lợi hơn.
Công trình mang tên Tuy Phước ở huyện Can Lộc vừa mới được xây dựng sẽ khánh thành trong dịp kỷ niệm 55 kết nghĩa Hà Tĩnh – Bình Định. Ảnh: Anh Hoài |
Đến nay, hàng năm, chúng tôi đều có sự luân phiên vào ra vừa giao lưu văn hóa, văn nghệ, vừa học tập, trao đổi kinh nghiệm xây dựng kinh tế. Từ những chuyến về - đi như thế, Can Lộc đã được Tuy Phước truyền kinh nghiệm lựa chọn và sử dụng máy gặt đập liên hợp - một mô hình cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp rất hiệu quả. Thông qua các làn điệu dân ca truyền thống như bài chòi, ví giặm mà 2 huyện đem đến cho nhau trong các cuộc giao lưu, người dân thêm hiểu nhau và tình yêu mến càng mặn nồng hơn. Ngoài ra, bất cứ lúc nào có sự việc đột xuất như bão lũ hoặc kỷ niệm sự kiện lịch sử, 2 huyện đều có sự thăm hỏi, hỗ trợ lẫn nhau.
Từ những tình cảm được dựng xây trong quá khứ và tiếp nối trong hiện tại ấy mà sự gắn kết tâm hồn nhân dân 2 huyện trở nên sâu sắc hơn. Khi Can Lộc khởi công xây dựng nhà thờ thi sỹ Xuân Diệu, nhân dân Tuy Phước đã quyên góp ủng hộ 1 tỷ đồng. Với Tuy Phước, tôi có rất nhiều kỷ niệm nhưng nhớ nhất vẫn là lần huyện bạn kỷ niệm 40 năm giải phóng, khi tôi đọc lời phát biểu, nhiều người đã không cầm được nước mắt. Những giọt nước mắt của nỗi nhớ, niềm thương. Những giọt nước mắt chan hòa niềm vui và hạnh phúc.
Vừa qua, nhân kỷ niệm 55 năm kết nghĩa Hà Tĩnh – Bình Định và chào mừng đại hội Đảng các cấp ở Can Lộc, lãnh đạo huyện Tuy Phước có đặt vấn đề hỗ trợ xây dựng 1 công trình. Với sự đóng góp của Tuy Phước, chúng tôi đã xây dựng công viên Tuy Phước ngay trước trụ sở trung tâm hành chính của huyện. Công trình này sẽ giúp lưu giữ những tình cảm đẹp đẽ của nhân dân Tuy Phước dành cho Can Lộc. Sắp tới, cùng với những cuộc gặp gỡ thường niên, 2 huyện chúng tôi sẽ bàn bạc nâng mối quan hệ lên một tầm cao mới với dự định hỗ trợ lẫn nhau xây nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách…
Mặc dù là thế hệ sau của chương trình kết nghĩa nhưng với tôi, không có khoảng cách nào giữa quá khứ và hiện tại. Và dù đã đi - về rất nhiều lần, nhưng sau mỗi chuyến trở về, tình cảm với đất và người Tuy Phước càng thêm tươi mới trong tâm hồn tôi. Để trong mỗi bước chân trên các nẻo quê hương, trong tôi lại dâng lên một nỗi nhớ đằm sâu về phương ấy, tuy xa cách mà gần gụi như hương lúa, hương đồng…
Võ Thúc Đồng
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Can Lộc
Nguồn: baohatinh.vn