Sôi động “Cuộc thi tìm hiểu kiến thức về chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi an toàn và sức khỏe cộng đồng”

Sôi động “Cuộc thi tìm hiểu kiến thức về chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi an toàn và sức khỏe cộng đồng”
Vừa qua, tại trường đại học Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã diễn ra vòng thi cấp trung ương Cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức về chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi an toàn và sức khỏe cộng đồng”.
Đây là cuộc thi được tổ chức bởi Dự án Cạnh tranh ngành Chăn nuôi và An toàn thực phẩm (Lifsap)” do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Theo ông Tôn Thất Sơn Phong, Giám đốc Dự án Lifsap, cuộc thi nhằm mục đích tạo một sân chơi giao lưu học hỏi giữa các các hộ chăn nuôi gia súc - gia cầm tham gia dự án trong vùng chăn nuôi ưu tiên áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt cấp nông hộ (VietGAP nông hộ), chủ cơ sở giết mổ, tiểu thương bán thịt, cán bộ khuyến nông thú y ở các tỉnh dự án với nhau, từ đó, có cơ hội trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau đưa ra giải pháp để giải quyết các vấn đề chung và riêng mà từng địa phương gặp phải trong toàn bộ chuỗi giá trị nhằm cung cấp các sản phẩm chăn nuôi an toàn cho cộng đồng. 
 
 
 
 

Dự án Lifsap đã và đang được triển khai tại 12 tỉnh thành trên toàn quốc từ năm 2010 đến 31.12.2015. Qua vòng sơ tuyển vừa qua, 12 đội tuyển Lifsap lọt vào vòng thi cấp trung ương gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, TP.HCM, Long An và Đồng Nai. Tham gia cuộc thi các thành viên nhóm GAP, chủ cơ sở giết mổ, tiểu thương bán thịt, cán bộ khuyến nông thú y có cơ hội tiếp cận và trau dồi thêm nhiều kiến thức chuyên môn hơn. Sau cuộc thi, họ sẽ chia sẻ lại cho các hộ dân khác của địa phương mình để nhân rộng các kết quả của Dự án. Đồng thời giúp các hộ chăn nuôi, chủ cơ sở giết mổ, tiểu thương kinh doanh thịt áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật của dự án Lifsap.
 
 
 
 


Cuộc thi thu hút sự quan tâm đặc biệt của sinh viên nông nghiệp, cùng các cổ động viên của 12 đội. Hội trường hơn 700 ghế của trường Đại học nông nghiệp không còn một chỗ trống. Tại vòng thi cấp trung ương này, 12 đội được chia thành 3 nhóm. Các đội phải trải qua 2 phần thi: Chào hỏi (tự giới thiệu) và Kiến thức để chọn ra 3 đội thắng cuộc của 3 nhóm vào vòng chung kết.

Các đội Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Lâm Đồng, TP.HCM, Long An và Đồng Nai đều mang đến cuộc thi màn chào hỏi là những tiểu phẩm, qua đó chuyển tải những kiến thức chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi như thế nào để đảm bảo vệ sinh ATTP, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, tăng thu nhập, nâng cao đời sống…
 
 


Đội Hải Dương trong phần thi giới thiệu tuy bị “vấp” nhiều nhưng lại nhận được sự động viên khích kệ nhiệt tình của khán giả bằng nhiều tràng vỗ tay và những tiếng cười vui vẻ, điều này giúp cho cuộc thi thật sự trở thành một cuộc chơi không nặng về thắng thua. Sự duyên dáng của MC Khánh Vinh cũng là nhân tố cộng thêm giúp cuộc thi thành công.

Nếu như đội Lifsap Cao Bằng mang đến cuộc thi màn chào hỏi không “đụng hàng”, đó là trang phục và điệu hát Then – một đặc sản của người Tày, Nùng ở Cao Bằng cùng một đội trưởng dẫn chương trình lưu loát người dân tộc Nùng. Thì đội Hải Phòng lại màn chào hỏi rất ấn tượng, qua tiểu phẩm “Tự hào Lifsap Hải Phòng”, nhân vật Thần Nông, chú Cuội trong tiểu phẩm diễn rất “nhuyễn”, các thành viên diễn như những diễn viên chuyện nghiệp. Tiết mục này của Hải Phòng được ban giám khảo đánh giá cao và cho điểm tuyệt đối 50/50.

Giờ giải lao Ông Tôn Thất Sơn Phong, Giám đốc Dự án Lifsap chia sẻ : Sau 4 năm triển khai dự án đến thời điểm này chúng tôi đã thiết lập được 10.000 hộ chăn nuôi áp dụng quy trình GAHP; nâng cấp 70 lò mổ với công suất giết mổ từ 100-500 con tại 12 tỉnh của dự án; nâng cấp chợ 300 chợ thực phẩm với khoảng hơn 10.000 quầy bán thịt, cung cấp cho xã hội hơn 500 tấn thịt sạch hàng ngày. Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức đào tạo kỹ thuật liên quan đến quy trình VietGAP nông hộ cho khoảng hơn 20.000 hộ nông dân, đào tạo cho gần 500 hộ trực tiếp tham gia giết mổ quy trình thực hành giết mổ tốt, 10.000 hộ tiểu thương về quy trình thực hành kinh doanh an toàn, chúng tôi cũng tổ chức các khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý các vấn đề liên quan đến chăn nuôi thú y, vệ sinh ATTP từ trung ương đến địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền về các kỹ thuật, kiến thức tốt cho các đối tượng liên quan để cùng thực hiện mục tiêu của dự án là tăng năng suất, chất lượng, góp phần bảo vệ môi trường, cung cấp các sản phẩm chăn nuôi an toàn cho thị trường. Tôi rất vui khi 12 đội thi đã chuẩn bị nội dung thi phong phú, nhiều ý tưởng hay và đều có mục tiêu chung, xuyên suốt và đúng với tinh thần của dự án là làm sao để nâng cao năng suất chất lượng các sản phẩm chăn nuôi, tăng thu nhập cho các hộ và cung cấp được sản phẩm chăn nuôi an toàn cho thị trường. 

Kết thúc phần 1, Ba đội Hải Phòng, Cao Bằng và Thanh Hóa có số điểm cao nhất ở 3 nhóm được vào dự thi vòng chung kết tranh giải nhất qua 2 phần thi: Xử lý tình huống và Hùng biện. 

Trả lời câu hỏi về kiến thức mới thu nạp được qua việc tham gia dự án góp phần như thế nào vào việc thay đổi cách làm đặc sản sản nem chua Thanh Hóa, đội Lifsap Thanh Hóa cũng được khán giả tán thưởng với phần trả lời khá hóm hỉnh “Từ trước khi tham gia dự án thì nem chua Thanh Hóa của chúng tôi vẫn đạt yêu cầu vệ sinh ATTP. Tuy nhiên, khi tham gia dự án chúng tôi thấy cần phải kỹ càng hơn nữa trong việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào để làm nem chua. Khánh Vinh và các bạn hãy yên tâm và tiếp tục ủng hộ nem chua Thanh Hóa, lưu ý khi ăn nem nên kèm một ly rượu hoặc cốc bia thì sẽ thú vị hơn”.

Phần thi kiến thức với các nội dung liên quan đến kĩ thuật chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển và bán thịt sạch tại các chợ theo tiêu chuẩn Lifsap. Phần này điểm số không có sự chênh lệch nhiều, do 12 đội đều đã nắm rất vững kiến thức.

Chung cuộc, đội Lifsap Hải phòng đoạt giải Nhất nhờ phần chào hỏi ấn tượng và hùng biện rành mạch, thuyết phục, dễ hiểu, xử lý tình huống hợp lý. Lifsap Cao Bằng và Thanh hóa đồng giải nhì.

Theo dõi cuộc thi từ đầu đến cuối, ông Võ Thành Sơn, Chuyên gia cao cấp về phát triển nông thôn của Ngân hàng Thế giới (WB), chia sẻ: Cách tổ chức cuộc thi như thế này theo tôi là một sáng tạo rất tốt của dự án. WB xác định ngành chăn nuôi là ngành rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng nhiều đến sinh kế của người nông dân. Mặc dù ngành nông nghiệp Việt Nam có rất nhiều hoạt động sản xuất khác nhau, tuy nhiên chăn nuôi chiếm tỷ trọng rất cao trong hoạt động sản xuất của hộ nông dân. Đa số nông dân Việt Nam có kinh tế phụ thuộc vào chăn nuôi. Chính vì lí do này Ngân hàng Thế giới đã tài trợ cho Việt Nam Dự án Lifsap. Đây là dự án nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp có được cách làm giúp bà con nông dân chăn nuôi an toàn hơn, hiệu quả hơn trong các hoạt động chăn nuôi của mình cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm các sản phẩm chăn nuôi. Hy vọng sau khi dự án kế thúc thì các cách làm hay của dự án tiếp tục được nhân rộng. 

Dự án “Cạnh tranh ngành Chăn nuôi và An toàn thực phẩm (Lifsap)” được triển khai trong 6 năm, từ 2010 đến 31.12.2015. 

Mục tiêu chung của dự án là nâng cao khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi thông qua nâng cao năng xuất, chất lượng, an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chuỗi sản phẩm chăn nuôi theo hướng chăn nuôi sạch từ trang trại đến bàn ăn ở các tỉnh dự án.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, các hoạt động của Dự án đã và đang được triển khai từ Trung ương đến địa phương và bước đầu đã thu được một số kết quả nhất định.

Theo Danviet.vn