Sơn La: Cam Phù Yên được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Sơn La: Cam Phù Yên được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cam Phù Yên cho huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Việc cấp giấy chứng nhận này sẽ mở hướng ổn định đầu ra cho sản phẩm cam trong huyện.

Theo báo Dân Việt, ông Phan Bá Dương - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Yên cho biết, những năm qua, huyện Phù Yên tích cực vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng cây ngắn ngày năng suất, hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả. Chỉ tính riêng năm 2017, toàn huyện Phù Yên đã trồng mới hơn 785 ha cây ăn quả, trong đó hơn 200 ha nhãn, hơn 460 ha xoài, gần 22 ha cam Vinh...

Cam-Phu-Yen
Cam Phù Yên được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: Báo Dân Việt

Hiện toàn huyện Phù Yên có hơn 300ha cây có múi, trong đó hơn 160ha đã cho thu hoạch. Cam được xác định là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương. Đất đai, khí hậu ở Phù Yên hoàn toàn phù hợp cho trồng cam.

Cam Phù Yên có đặc điểm quả to, đều, mỏng vỏ và đặc biệt là ăn rất ngọt. Cam được trồng tập trung ở các xã: Mường Thải, Mường Cơi, Tân Lang với 2 loại giống là cam Vinh và cam đường. 

Theo báo Sơn La, ông Đinh Đức Quy, Chủ tịch UBND xã Mường Thải, cho biết: Hiện nay, khâu tiêu thụ cam trên địa bàn tương đối ổn định, chủ yếu thương lái đến mua tận vườn. Nhưng nếu không tìm kiếm thị trường ngay từ bây giờ, vài năm tới sản lượng cam trên địa bàn tăng, người trồng cam sẽ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác là rất cần thiết, tạo thành lượng hàng hóa lớn, thuận lợi trong ký kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.

Cam Phù Yên, Sơn La
Cam được trồng tập trung ở các xã: Mường Thải, Mường Cơi, Tân Lang với 2 loại giống là cam Vinh và cam đường.

Mô hình trồng cây có múi ở xã Mường Thải, huyện Phù Yên rất phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng ở địa phương. Để quả cam đạt chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu, bà con cần học tập và áp dụng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để tạo thành hàng hóa lớn ký kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Để giúp người trồng cây ăn quả trong tỉnh và huyện Phù Yên, hiện nay, UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn đang tích cực giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông sản ra các tỉnh thông qua các hội chợ và siêu thị. Đồng thời, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Việc cam Phù Yên được cấp nhãn hiệu chứng nhận sẽ mở hướng ổn định cho đầu ra, động viên, khích lệ người trồng cam yên tâm đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cam, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.