Sử dụng hiệu quả nguồn lực trong nhân dân cho phát triển

Sử dụng hiệu quả nguồn lực trong nhân dân cho phát triển
Huy động, phát huy và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực trong nhân dân cho phát triển đất nước là vấn đề rất quan trọng đối với mọi quốc gia và cũng cấp bách đối với nước ta hiện nay, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nguồn lực to lớn trong dân

Về thôn Vị Giang, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đi trên tuyến đường rộng 4m đổ bê tông, chúng tôi hòa chung với niềm vui của người dân nơi đây, bởi con đường là thành quả của sự đoàn kết, chung sức đồng lòng, do chính bà con xây dựng. Trước đó, tuyến đường này lát gạch, đã xuống cấp trầm trọng, nhân dân đi lại rất khó khăn. Khi tỉnh có cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng hạ tầng nông thôn mới, nhân dân trong thôn họp bàn, chủ động, tự nguyện hiến đất, góp công, góp tiền giải phóng mặt bằng, kè ao làm đường. Tuyến đường hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, người dân phấn khởi vì không còn cảnh lầy lội khi mưa xuống, bụi mù khi nắng lên; việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con được thuận tiện, nhanh chóng... Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Chí Hòa huy động được 65,7 tỷ đồng, trong đó huy động từ nhân dân 23,6 tỷ đồng… Đây là con số không nhỏ đối với một xã thuần nông như Chí Hòa.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng quỹ giao thông, huy động sức dân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn bằng nhiều hình thức, như: Ủng hộ tiền, hiến đất, đóng góp ngày công lao động; bố trí ngân sách xã và tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện… Tổng kinh phí đầu tư xây dựng đường giao thông giai đoạn 2011-2016 của xã là 39,162 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 6,829 tỷ đồng. Đến nay, hệ thống giao thông ở Liên Hòa được xây dựng khá hoàn chỉnh, với 100% đường trục xã, 62% đường trục thôn, 56% đường ngõ xóm và 55% đường giao thông nội đồng đã được cứng hóa và nâng cấp.

Bà con đồng bào dân tộc huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang thu hoạch cam. Ảnh: THU PHƯƠNG. 

Từ thực tế trên cho thấy, nguồn lực trong nhân dân là rất to lớn, bao gồm nhân lực, tài lực và vật lực. Chính vì vậy, một trong 6 nhiệm vụ mà Đại hội XII của Đảng đề ra là “thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân…”, qua đó đẩy mạnh đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển nhanh và bền vững…

Tại hội thảo "Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển đất nước hiện nay-Vấn đề và giải pháp", do Hội đồng Lý luận Trung ương và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng: Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng được cả thế giới ghi nhận về an sinh xã hội. Thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", nhiều địa phương đã phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân. Nhiều trí thức, nhà khoa học và công nhân kỹ thuật đã có những phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Đội ngũ doanh nhân khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong việc giải quyết việc làm cho hàng chục triệu lao động, mang lại nguồn thu chủ yếu cho ngân sách Nhà nước, đóng góp to lớn cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo.

Dù còn không ít khó khăn, nhưng bà con nông dân cả nước đã đóng góp hàng triệu ngày công, hiến hàng nghìn héc-ta đất, góp hàng nghìn tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (chỉ tính riêng trong 5 năm 2010-2015, cả nước đã huy động hơn 852.000 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp gần 108.000 tỷ đồng, chiếm 12,62%); hơn 4,5 triệu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài hằng năm đã gửi nguồn kiều hối khoảng 10-13 tỷ USD về xây dựng đất nước...

Tuy nhiên, việc phát huy nguồn lực trong nhân dân những năm qua chưa thực sự hiệu quả. Theo ông Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, việc khuyến khích, huy động nguồn lực cho phát triển đất nước còn hạn chế; lực lượng nòng cốt thúc đẩy phát triển là đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, nhưng hoạt động chưa hiệu quả, thiếu say sưa nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách; chưa chú trọng quan tâm phát minh, sáng chế, sáng kiến. Hầu hết các sinh viên thi đoạt giải quốc tế, trong nước, thủ khoa các trường đại học có chất lượng, đều chọn con đường ra nước ngoài làm việc… Việc phát huy nguồn vốn trong nhân dân, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài cũng còn hạn chế. Ông Nguyễn Thế Trung cho rằng: "Chúng ta chưa có chính sách khuyến khích tốt để người dân tham gia vào các lĩnh vực đầu tư phát triển... Cùng với nguồn nhân lực và tài lực, thì nguồn vật lực trong nhân dân cũng chưa được phát huy tốt. Nguồn lực từ đất đai mà các doanh nhân, người dân đang được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất, hoặc cho thuê dài hạn còn lãng phí nghiêm trọng…".

Cần hoàn thiện cơ chế huy động sức dân

Việc phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong nhân dân là hết sức quan trọng, đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần phải có cơ chế, chính sách hợp lý mới thực hiện tốt được chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

Theo ông Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, để huy động được “nhân lực, tài lực và vật lực” trong nhân dân, cần phải phát huy tốt dân chủ trong nhân dân, mà trước hết phải thực hiện tốt dân chủ trong Đảng. Đảng lãnh đạo, không bao biện làm thay Nhà nước; Đảng tăng cường lãnh đạo, mở rộng dân chủ trực tiếp cho người dân, nhằm nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, năng lực tham gia quản lý xã hội của nhân dân. Phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân gắn với việc giáo dục cán bộ, đảng viên sống, làm việc gương mẫu, nói đi đôi với làm. Đây cũng chính là động lực to lớn khơi dậy và phát huy nguồn lực của các tầng lớp nhân dân, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài phục vụ xây dựng và phát triển đất nước.

Về vấn đề này, PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Cần tăng cường quản lý Nhà nước có hiệu lực, hiệu quả để thực thi quyền của nhân dân và phát huy nguồn lực của nhân dân trong phát triển đất nước. Trước hết, cần nghiên cứu xây dựng, bổ sung các văn bản pháp luật để phát huy tốt hơn nhân tố con người, phát huy tiềm năng của hơn 95 triệu người dân Việt Nam, trong đó khoảng 3 triệu trí thức, 12 triệu công nhân, 2,5 triệu doanh nhân. Trong mọi thời đại, nguồn tài nguyên quý giá nhất của mọi quốc gia chính là con người. Vì thế, Nhà nước cần quan tâm đặc biệt phát triển sự nghiệp giáo dục, xây dựng, bổ sung chính sách tạo môi trường thuận lợi để mỗi người có cơ hội phát huy năng lực sáng tạo, đóng góp cho đất nước”.

Đi đôi với chính sách nguồn nhân lực, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung chính sách thu hút nguồn vốn trong nhân dân cho đầu tư phát triển. Một số địa phương thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; đội ngũ cán bộ gương mẫu được dân tin yêu, đã huy động được rất lớn ngày công, tiền vốn, vật tư trong nhân dân để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đô thị, nhất là các mục tiêu, chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới…

Cùng với việc phát huy nguồn nhân lực, tài lực, Nhà nước cần phát huy nguồn vật lực to lớn trong nhân dân cho phát triển đất nước. Người dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ hợp tác… đều đang quản lý, sở hữu nhiều tài sản phục vụ cho sản xuất kinh doanh, như đất đai, máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu…Để phát huy có hiệu quả thì Nhà nước phải xác định rõ chiến lược trong phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, để người dân lựa chọn, đầu tư sản xuất kinh doanh đúng hướng. Từ đó khơi dậy tiềm năng đất đai theo hướng tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nguyên liệu cho nông nghiệp chế biến và xuất khẩu, đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch ẩm thực…
                                       
TRỊNH DŨNG/ QĐND