Sử dụng hiệu quả nguồn vốn chuyển đổi nông nghiệp bền vững
- Chủ nhật - 23/04/2017 10:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), đây là dự án có tổng số vốn 300 triệu USD, trong đó 237 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng thế giới (WB), 28 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ, và 35 triệu USD từ vốn tư nhân. Dự án có bốn hợp phần chính, gồm: Tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển lúa gạo, cà-phê bền vững và quản lý dự án. Dự án thực hiện từ năm 2015 đến 2020 tại 13 tỉnh, trong đó có năm tỉnh vùng Tây Nguyên, gồm Kon Tum, Gia Lai, Đác Lắc, Đác Nông, Lâm Đồng, và tám tỉnh vùng ĐBSCL gồm An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang. Ngoài ra, tám tỉnh thí điểm tham gia thực hiện hợp phần “Tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp” là: Vĩnh Phúc, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Phú Thọ.
Đầu năm 2016, Bộ NN-PTNT đã thống nhất với WB bước đầu đề nghị mỗi tỉnh tham gia dự án lựa chọn, đề xuất từ ba đến năm tiểu dự án cơ sở hạ tầng để triển khai thí điểm rút kinh nghiệm trước. Ban quản lý Dự án cấp trung ương (CPMU) xây dựng bộ tiêu chí và quy trình hướng dẫn lựa chọn, thẩm định và phê duyệt danh mục các tiểu dự án để phổ biến tới các tỉnh. Riêng hợp phần “Phát triển cà-phê bền vững”, CPMU đã phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Cục Trồng trọt biên soạn, lấy ý kiến các bên liên quan và ban hành Bộ tài liệu tập huấn chuẩn về sản xuất cà-phê vối bền vững, để Ban quản lý Dự án các tỉnh Tây Nguyên (PPMU) sử dụng làm tài liệu chính thức trong các lớp tập huấn về cà-phê vối.
Tính đến hết tháng 2-2017, các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức 13 lớp tập huấn cho 355 học viên là các nông dân nòng cốt; tập huấn cho 7.540 lượt nông dân về sản xuất cà-phê bền vững (với diện tích sản xuất của các hộ trên 8.632 ha) và 3.492 lượt hộ nông dân về tái canh cà-phê với diện tích tái canh dự kiến khoảng 2.242ha được tập huấn các kỹ thuật về sản xuất cà-phê bền vững tại hiện trường; Xây dựng 21 mô hình trình diễn canh tác cà-phê bền vững và 10 mô hình trình diễn tái canh phục vụ các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ về phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện tại, các PPMU địa phương đã đề xuất Danh mục các tiểu dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên đầu tư năm 2017, và CPMU đang phối hợp các chuyên gia tư vấn đi khảo sát, đánh giá, sàng lọc để báo cáo Bộ NN-PTNT và WB phê duyệt danh mục, làm cơ sở cho các tỉnh triển khai các bước tiếp theo.
Riêng gói tín dụng 50 triệu USD cho các hộ nông dân vay dài hạn (7 đến 10 năm) để tái canh cà-phê bền vững, do thời gian này các hộ dân chưa có thu nhập từ vườn cà-phê tái canh, cho nên sẽ được hỗ trợ một phần lãi suất trong thời gian đầu (ba đến năm năm). Khoản vay này được giao cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai thực hiện, và BIDV sẽ thông qua các ngân hàng thương mại để giải ngân tới từng hộ nông dân có nhu cầu vay vốn. Trên cơ sở quy trình và định mức kỹ thuật đầu tư tái canh cà-phê do Bộ NN-PTNT ban hành, BIDV đã thông báo giá trị khoản vay cho tái canh 1 ha cà-phê trên địa bàn năm tỉnh Tây Nguyên tối đa tới 400 triệu đồng. Căn cứ vào tiến độ tái canh, các khoản vay sẽ được giải ngân từ hai đến ba đợt. UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên đã và đang rà soát quy hoạch phát triển cà-phê của địa phương để xác định những vùng đủ điều kiện tái canh, hướng dẫn các hộ dân tái canh có hiệu quả.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Theo VnSAT năm 2016 dự án mới giải ngân được 97,6 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào các hoạt động khảo sát thực trạng tình hình canh tác lúa gạo và cà-phê; đào tạo canh tác bền vững cho nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL; hỗ trợ kỹ thuật đào tạo canh tác cà-phê bền vững tại các tỉnh Tây Nguyên. Năm 2017, để đáp ứng nhu cầu của các đơn vị, cần giải ngân được 445 tỷ đồng, trong đó vốn từ IDA/WB phân bổ cho 15 ban quản lý thành phần là 120 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng, dự kiến vốn giao kế hoạch năm 2017 như vậy là rất thấp, mới đáp ứng 27% nhu cầu của dự án, và theo tiến độ thực hiện, chỉ đến hết quý II-2017 sẽ giải ngân hết số tiền trên. Vì vậy việc bổ sung kế hoạch vốn chậm sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện của dự án.
Để dự án VnSAT nói chung và các hợp phần nói riêng đạt mục tiêu đề ra, Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan cần sớm trình Chính phủ giao bổ sung vốn năm 2017 theo kế hoạch đã được Chính phủ và WB thống nhất trong văn kiện dự án và đăng ký vốn của các địa phương. Bên cạnh đó, với vai trò của ngân hàng bán buôn, BIDV cần phối hợp với các ngân hàng thương mại bán lẻ sớm nghiên cứu, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế bảo đảm tiền vay để các hộ dân thuộc vùng dự án có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi, theo tiến độ của dự án. Các ngành chức năng, chính quyền cấp huyện, xã vùng Dự án cần tăng cường phối hợp với Sở NN-PTNT, Ban quản lý dự án tỉnh kịp thời xem xét, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện tại địa phương. Những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền cần kịp thời phản ánh, kiến nghị với Chính phủ, Bộ NN-PTNT, các bộ, ngành và WB để xem xét, xử lý kịp thời, bảo đảm chuyển đổi nông nghiệp một cách bền vững.
Theo Ban quản lý dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, thực hiện quy trình canh tác bền vững cho 69.000 ha cà-phê của 63.000 hộ nông dân ở 24 huyện trọng điểm Tây Nguyên, lợi nhuận có thể tăng khoảng 15 đến 20 triệu đồng/ha so với cà-phê không tái canh. Lợi nhuận này sẽ kéo dài trong suốt chu kỳ kinh doanh của cà-phê (từ 20 đến 25 năm), góp phần tăng thu nhập cho người trồng cà-phê khoảng 20%.
Nguồn: Báo Nhân Dân