Sử dụng kháng sinh cấm trong chăn nuôi: Đề xuất xử lý hình sự
- Thứ năm - 12/01/2017 19:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xử lý hàng chục đơn vị vi phạm
Ông Phạm Tiến Dũng – Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NNPTNT) cho biết, năm 2016, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra đối với 15 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh. Đây là những đơn vị nhập khẩu lớn với tổng lượng nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu, phân phối lưu thông chiếm 70% tổng số nguyên liệu kháng sinh được nhập.
Việc sử dụng kháng sinh trong lĩnh vực chăn nuôi đang rất đáng báo động. Ảnh: I.T
Hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh ở Việt Nam rất cao, trong các cơ sở khám bệnh 50% chi phí khám chữa bệnh dành cho thuốc điều trị, trong đó thuốc kháng sinh chiếm tới 33%”. Ông Cao Hưng Thái – |
Các đơn vị nêu trên nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh với mục đích thương mại và dùng để sản xuất thuốc thú y. Cụ thể, có 5/15 công ty nhập khẩu với mục đích sản xuất, 9/15 công ty nhập khẩu với mục đích thương mại và 1/15 công ty nhập khẩu vừa sản xuất vừa thương mại.
“Qua thanh tra phát hiện 5 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh có hành vi vi phạm là bán sai đối tượng. Đây đều là công ty nhập khẩu với mục đích thương mại. Trung bình có khoảng 16% số lượng nguyên liệu kháng sinh được các công ty nhập khẩu đã bị bán sai đối tượng. Đối với các công ty thương mại thì tỷ lệ vi phạm là 22%. Sai phạm phát hiện chủ yếu được thực hiện trong năm 2014” - ông Dũng khẳng định.
Ông Dũng cho biết thêm, về việc truy xuất và xử lý vi phạm về kháng sinh và thuốc thú y, vừa qua Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra trực tiếp đối với 30 công ty có vi phạm về nguyên liệu kháng sinh và tiến hành xử lý 23 công ty, xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên 1,6 tỷ đồng…
Lạm dụng kháng sinh tràn lan
Trước thực trạng sử dụng kháng sinh tràn lan, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi việc sử dụng kháng sinh đang rất đáng báo động. Tuy nhiên, theo ông Dũng, việc quản lý và xử lý đối với những hộ chăn nuôi sử dụng loại chất này đang gặp nhiều khó khăn.
“So với chất cấm, việc kiểm soát lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi còn khó khăn, vất vả hơn nhiều bởi chất cấm chỉ có vài loại, còn kháng sinh có tới hàng chục loại khác nhau đang được lưu hành. Kháng sinh như “con dao hai lưỡi”, dùng đúng sẽ có tác dụng tốt, nhưng quá liều, có thể khiến vật nuôi nghiện và một trong những lo ngại hiện nay chính là làm dụng dùng kháng sinh ở khâu bảo quản, dẫn đến tỷ lệ tồn dư rất cao” – ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám – chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: “Hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh ở Việt Nam rất cao, trong các cơ sở khám bệnh 50% chi phí khám chữa bệnh dành cho tiền thuốc điều trị, trong đó thuốc kháng sinh chiếm tới 33%. Đặc biệt, hiện nay việc quản lý thuốc kháng sinh cho người còn chưa chặt chẽ và buông lỏng. Ví dụ như vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đi kiểm tra phát hiện tới 100% nhà thuốc kinh doanh trên địa bàn bán thuốc không có đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh”.
Lý giải cho tình trạng này, ông Thái cho rằng: “Việc sử dụng kháng sinh quá nhiều do nhận thức của người dân chưa đầy đủ, trong đó có cả đội ngũ y, bác sĩ đã lạm dụng kháng sinh trong kê đơn, cùng với đó là việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi còn thiếu kiểm soát. Các cơ sở khám chữa bệnh không có đủ các trang bị cần thiết như máy định danh vi khuẩn, không có điều kiện làm kháng sinh đồ để kê đơn điều trị đúng lộ trình”.
Theo ông Thái, để tránh tình trạng sử dụng kháng sinh sai mục đích, đặc biệt là sử dụng trái phép trong chăn nuôi, trong thời gian tới các bộ, ngành liên quan sẽ tăng cường kiểm tra việc bán thuốc, yêu cầu các nhà thuốc bán thuốc phải có đơn rõ ràng.
Ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết: “Hiện nay, vấn đề kháng thuốc kháng sinh đang ở mức báo động. Vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo vấn đề kháng kháng sinh và đưa ra khẩu hiệu “Nếu ngày nay chúng ta không hành động thì ngày mai không có thuốc chữa”.
Theo ông Thành, đối với nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, Cục đã đề nghị Bộ tham mưu cho Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Trong đó, những hành vi vi phạm trong việc kinh doanh, sử dụng nguyên liệu kháng sinh nói riêng và nguyên liệu thuốc thú y nói chung dùng trực tiếp cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng sẽ được đưa vào xử phạt trong Nghị định.
Theo Trần Quang/Dân Việt