Tại cuộc họp thường kỳ của UBND TP.HCM, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cảnh báo dịch tả heo châu Phi đã lan tới 4 xã thuộc 2 huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM cho biết, ngoài tỉnh Đồng Nai, chiều qua (9/5), trên địa bàn huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) đã xuất hiện dịch.
“TP.HCM đang có nguy cơ xuất hiện dịch rất cao. Trong số 400 hộ nuôi heo, có gần 300 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, lấy nguồn thức ăn dư thừa từ các nhà hàng và nấu chưa chín”, ông Hổ cảnh báo.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho hay TP.HCM đang tăng cường kiểm soát dịch từ các cửa ngõ dẫn vào thành phố. Hiện, 45-50% lượng heo giết mổ ở TP.HCM là từ tỉnh Đồng Nai. TP,HCM đang lập các chốt chặn ở các cửa ngõ.
Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cho hay, đối với nguồn heo cung cấp cho TP.HCM, UBND thành phố đã bàn với tỉnh Đồng Nai không xuất heo từ 4 xã nhiễm dịch. Heo đưa vào T.PHCM giết mổ phải được kiểm dịch.
TP.HCM đang có gần 300.000 con heo, không được lơ là. Các địa phương phải tập trung kiểm soát giết mổ lậu. Địa phương nào để xảy ra giết mổ lậu, lần đầu chủ tịch sẽ bị phê bình. Nếu tái diễn sẽ xử lý nặng hơn.
Tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2019
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.
Nghị định này quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
Theo Nghị định, từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng thay cho mức lương cũ là 1.390.000 đồng/tháng.
Mức lương cơ sở này dùng để làm căn cứ cho việc tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 38/2019/NĐ-CP; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Người hưởng lương, phụ cấp trên gồm: Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008; Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008; Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật viên chức năm 2010; Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân; Người làm việc trong tổ chức cơ yếu; Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
Trước 1/6 phải hoàn thành GPMB cao tốc Bến Lức - Long Thành
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc xử lý vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai khẩn trương tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 1/6/2019 để bàn giao cho đơn vị thi công, không làm ảnh hưởng đến tiến độ Dự án nêu trên.
Dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành có tổng chiều dài toàn tuyến 57,1 km, đi qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và Đồng Nai.
Dự án là công trình quan trọng, nằm trong hệ thống đường cao tốc Bắc-Nam, khi hoàn thành, tuyến đường sẽ giúp giao thông giữa các tỉnh Tây và Đông Nam Bộ không phải qua trung tâm của TPHCM, rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh trong vùng.
Tuyến đường còn tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, từ Bangkok (Thái Lan) qua Phnom Penh (Campuchia) đến TPHCM-Vũng Tàu. Đồng thời kết nối mạng cao tốc và quốc lộ với các cảng biển lớn của khu vực như Cái Mép-Thị Vải, Sao Mai-Bến Đình, sân bay quốc tế Long Thành..., qua đó sẽ khai thác hiệu quả các các dự án hạ tầng lớn của quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, du lịch của các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng, và cả nước nói chung.
Đề xuất phạt lái xe uống rượu 40 triệu đồng, tước bằng lái 2 năm
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn cao nhất lên tới 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe (GPLX) 24 tháng.
Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Tổng cục Đường bộ đề xuất phạt tiền từ 34 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46/2016 hiện đang quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước GPLX 4 - 6 tháng.
Đối với người điều khiển ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy cũng được Tổng cục Đường bộ đề xuất tăng mức phạt tương tự.
Ở mức vi phạm thấp hơn (mức 2), Tổng cục Đường bộ đề xuất phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng và tước GPLX 14 - 18 tháng đối với lái xe có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đối với mức vi phạm này, hiện Nghị định 46 đang quy định phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng và tước GPLX 3 - 5 tháng.
Ở mức thấp nhất (mức 1), khi tài xế có nồng độ cồn dưới 50 miligam hoặc dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở mức phạt được giữ nguyên như đã quy định trong Nghị định 46 là phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng và tước GPLX 1 - 3 tháng).
Đối với người điều khiển mô tô, mức xử phạt cũng được Tổng cục Đường bộ chỉ đề xuất tăng nặng ở mức 3 là xử phạt từ 7 - 8 triệu đồng và tước GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hiện hành vi này Nghị định 46 đang quy định xử phạt từ 3 - 4 triệu đồng và tước GPLX 3 - 5 tháng.
Với người điều khiển xe máy chuyên dùng, mức phạt cũng được đề xuất tăng lên từ 18 - 20 triệu đồng và tước GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Quy định Nghị định 46 mức phạt chỉ có 5 - 7 triệu đồng và tước GPLX 2 - 4 tháng.
Người điều khiển xe mô tô mà trong cơ thể có chất ma túy cũng được Tổng cục Đường bộ đề xuất tăng mức phạt tương tự như mức phạt nêu trên.
3 ca tử vong do sốt xuất huyết, TP.HCM ra sức phòng dịch mùa mưa
Trong 4 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn TP.HCM đã có 3 trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết. Thời điểm này, TP.HCM và khu vực phía Nam có những cơn mưa bất chợt, báo hiệu mùa mưa bắt đầu, ngành y tế khuyến cáo người dân ra sức chủ động phòng chống sốt xuất huyết, tránh để dịch bệnh hoành hành trong cao điểm mùa mưa.
Những ngày qua, TP.HCM đã xuất hiện mưa liên tục vào trưa, chiều, khiến cho một số nơi trên địa bàn quận Thủ Đức bị ngập cục bộ. Tại các khu đất trống, nhà hoang đã xuất hiện nhiều vũng nước, nguy cơ trở thành nơi sản sinh của muỗi.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, bệnh sốt xuất huyết đang trong giai đoạn cuối mùa dịch 2018-2019 và đang có chiều hướng giảm. Cụ thể, trong tháng 4, có 1.071 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết và 851 ca điều trị ngoại trú, giảm hơn 47% so với tháng 3. Tuy nhiên, tổng số ca bệnh vẫn tăng 230% so với năm 2018. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết, 1 trường hợp trẻ em và hai người lớn. Đặc biệt, các trường hợp này đều nhập viện trễ trong khi bệnh rất nặng.
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết: Trung tâm sẽ giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn và kịp thời hỗ trợ các quận huyện. Trong tháng 5, toàn thành phố sẽ thực hiện các hoạt động hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết lần thứ 9 năm 2019”.
Bác sĩ Lê Hồng Nga nói: "Đầu mùa mưa chính là thời điểm để chúng ta hạ thấp nguồn sinh sản của muỗi, để đến khi mưa xuống thì giảm bớt những nguy cơ. Chính vì vậy mà một trong những hoạt động trọng tâm của hoạt động trọng tâm hưởng ứng: “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” là cần phải lập danh sách, giám sát xử lý các điểm nguy cơ. Chúng ta cần phải xử lý triệt để các ổ dịch, đặc biệt là ổ dịch kéo dài và lan rộng".
Các bác sĩ cũng cảnh báo, khi người bệnh có biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết như: Sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài 2 đến 7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban... thì cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh, nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.