'Sức hút' từ mô hình dân vận khéo

'Sức hút' từ mô hình dân vận khéo
Phong trào “Dân vận khéo” ở thị xã Hoàng Mai được xây dựng và nhân rộng trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị của từng tổ chức, đoàn thể và thực tiễn, vì vậy luôn có tính thiết thực, hiệu quả.

Lan tỏa trong thực tiễn

Gia đình chị Đậu Thị Thủy, ở xóm 21, xã Quỳnh Vinh là hộ nghèo do người chồng mắc bệnh hiểm nghèo, những thứ giá trị nhất trong nhà lần lượt phải bán đi để lấy tiền chữa trị. Năm 2016, Hội Phụ nữ xã mua tặng 2 con lợn để gia đình chị Thủy phát triển chăn nuôi, giảm bớt khó khăn về kinh tế. Sau 4 tháng, chị Thủy xuất chuồng 2 con lợn với 1,7 tạ lợn hơi; số tiền thu được, một phần để trang trải cuộc sống, một phần chị mua 2 con lợn khác để nuôi tiếp.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quỳnh Vinh -  chị Nguyễn Thị Huệ, cho biết: Nguồn để hỗ trợ mua lợn cho các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là từ bán phế liệu do hội viên phụ nữ trong xã ủng hộ  thông qua mô hình dân vận khéo “Ve chai tiết kiệm gắn với vệ sinh môi trường”.

Theo đó, từng chi hội phụ nữ tổ chức tuyên truyền hội viên ý thức giữ gìn vệ sinh và tổ chức phân loại rác thải tại nguồn, giữ lại các phế liệu tái chế để hàng tháng gom bán, lập quỹ hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Nếu như nửa năm cuối 2016 phát động, hội thu được 6 triệu đồng, thì 7 tháng đầu năm 2017, hội đã thu được 8 triệu đồng từ bán phế liệu. 

Mô hình dân vận khéo phát triển nghề cá tại phường Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai). Ảnh: Mai Hoa
Mô hình dân vận khéo phát triển nghề cá tại phường Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai). Ảnh: Mai Hoa


Còn ở phường Quỳnh Phương - địa phương có tới hơn 70% lao động tham gia nghề khai thác hải sản với hơn 500 tàu thuyền đánh bắt xa bờ và gần bờ, trước đây, quá trình đánh bắt chủ yếu “mạnh ai nấy làm”, chưa có sự đoàn kết, tương trợ, hỗ trợ nhau trên biển. Từ thực tế đó, Đảng ủy phường chủ trương giao Hội Nông dân chủ trì phối hợp Hội nghề cá xây dựng mô hình dân vận khéo “An toàn nghề cá và bình yên biển cả”. Đến nay, đã có 186 hội viên là những chủ tàu có công suất lớn từ 90 CV trở lên tham gia. 

Phó Bí thư Đảng ủy phường Quỳnh Phương Nguyễn Văn Chương chia sẻ: “Những hội viên tham gia trong mô hình này luôn đoàn kết tương trợ nhau khi gặp các sự cố do thiên tai hoặc gặp sự cố về máy móc hay va chạm với tàu cá nước ngoài trên biển. Họ cũng thường xuyên thông tin cho nhau về các ngư trường đánh bắt hiệu quả; sẵn sàng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển”.

Gắn mô hình "Dân vận khéo" với từng cấp, từng ngành

Hoàng Mai là thị xã trẻ đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, do đó đặt ra áp lực lớn trong công tác giải phóng mặt bằng. Phường Quỳnh Dị được quy hoạch, lựa chọn đặt trung tâm hành chính thị xã Hoàng Mai có diện tích thu hồi 379 ha, chiếm gần 60% diện tích đất tự nhiên của toàn phường, chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp.

Nhận thức được những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, bởi đời sống của người dân phần lớn phụ thuộc vào nông nghiệp, Đảng ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tập trung vận động nhân dân bàn giao mặt bằng, chia sẻ những khó khăn tạm thời trong quá trình triển khai các dự án. Theo đó, ngoài tuyên truyền trên hệ thống tuyền thanh, phường đã tổ chức 11 lượt đoàn vận động từng hộ gia đình; tổ chức 125 buổi đối thoại tập trung để trao đổi, giải thích và tháo gỡ những khó khăn, thắc mắc của người dân. 

Phó Bí thư Đảng ủy phường Quỳnh Dị Hồ Sỹ Triều cho biết: “Từ năm 2015 đến nay, phường đã tuyên truyền, vận động 1.840 lượt hộ dân bị ảnh hưởng của dự án bàn giao mặt bằng và hoàn thành xây dựng 22 dự án trên diện tích 44,2 ha, bao gồm một số cơ quan cấp thị và một số tuyến đường”. 

Hội viên Hội Phụ nữ Quỳnh Vinh với mô hình dân vận khéo Ve chai tiết kiệm gắn với vệ sinh môi trường. Ảnh: Mai Hoa
Hội viên Hội Phụ nữ Quỳnh Vinh với mô hình dân vận khéo "Ve chai tiết kiệm gắn với vệ sinh môi trường". Ảnh: Mai Hoa

Trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, các địa phương, đoàn thể đã bám vào nhiệm vụ chính trị để xây dựng các mô hình dân vận khéo thiết thực, hiệu quả. Như Thị đoàn Hoàng Mai với mô hình dân vận khéo “Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch AURIGA”, “Câu lạc bộ ngân hàng máu sống”; Hội LHPN thị xã với mô hình “Sản xuất an toàn” ở phường Quỳnh Phương và các xã Quỳnh Liên, Quỳnh Lộc, Quỳnh Vinh, mô hình “Chăn nuôi gà sạch” tại xã Quỳnh Trang... 

Từ năm 2014 đến nay, toàn thị xã Hoàng Mai đã đăng ký và xây dựng 466 mô hình, điển hình dân vận khéo trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Trong đó, 150 mô hình được thị xã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nhân rộng, như mô hình cánh đồng mẫu lớn; sản xuất rau hàng hóa an toàn; nuôi trồng thủy, hải sản; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, “Sống tốt đời, đẹp đạo”, “Tiếng trống học bài”, “Tết Khuyến học”...

Các mô hình dân vận khéo đã phát huy tốt vai trò và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các ngành, cơ quan, đơn vị và các đoàn thể từ thị xã đến cơ sở; khắc phục tình trạng trước đây chỉ có tổ chức Dân vận triển khai và vào cuộc. Tuy nhiên, theo đồng chí Võ Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Hoàng Mai: Dù nhiều mô hình dân vận khéo mang lại hiệu quả thiết thực, thì vẫn còn một số băn khoăn. Đó là quan điểm chỉ đạo phong trào dân vận khéo là toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhưng thực tiễn mới chỉ tập trung lĩnh vực kinh tế - xã hội mà ít các mô hình khối hành chính sự nghiệp.

“Thời gian tới, Thị ủy Hoàng Mai sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn diện hơn, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình dân vận khéo; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, biểu dương và nhân rộng các mô hình dân vận khéo có hiệu quả, góp phần thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở mỗi cấp, mỗi ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thị xã”, đồng chí Võ Văn Dũng cho hay.

Mai Hoa/ Báo Nghệ AN