'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 9 - Phải xem khoa học là nội dung đột phá trong thời đại 4.0
- Thứ năm - 21/03/2019 21:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
GS.TS Bùi Chí Bửu. (Ảnh: Lê Minh) |
Thưa GS, hiện nay, phần lớn các viện nghiên cứu ngành nông nghiệp có sẵn đất đai, con người, hạ tầng kỹ thuật…, nhưng sao không thể sống được, các nhà khoa học, cán bộ, nhân viên thu nhập rất thấp? Nguyên nhân chính có phải do sự ràng buộc của cơ chế (cơ chế tài chính, cơ chế đề tài khiến nhà khoa học phải lo giải ngân đề tài hơn là tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng trên đồng ruộng)?
Các viện nghiên cứu khoa học nông nghiệp của nhà nước hiện có tình trạng lãng phí rất lớn, bởi vì chỉ có khoảng 15-30% nhà khoa học có thể đang trong nhóm được phân bổ đề tài, còn lại không có hoặc nếu may mắn hơn thì chỉ được tham gia làm đề tài nhánh.
Nguyên nhân chính là ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học rất khiêm tốn khiến cơ chế “xin cho” trở thành điều tất nhiên. Giống như một chiếc bánh rất nhỏ đang được chia sẻ cho nhiều người. Trong khi đó, cơ chế tài chính lại chậm được giải quyết theo hướng mang tính đột phá trong nghiên cứu khoa học. Điều này đã được nói mãi trong hơn 20 năm qua, nhưng giải pháp hầu như bế tắc, không khả thi.
Nội dung cho nghiên cứu khoa học thiếu hẳn một lịch trình (agenda) mang tính chiến lược lâu dài. Do vậy, ai chạy tiền giỏi, chạy đề tài dự án giỏi, khả năng sẽ có đề tài càng lớn. Chúng ta thiếu hẳn kế hoạch mang tính chất ưu tiên hóa cho từng lĩnh vực.
Từ thực tế nói trên, Nhà nước cần làm gì để cởi trói cho các viện, các nhà khoa học?
Đã đến lúc nhà nước phải xem khoa học là nội dung đột phá trong thời đại công nghiệp 4.0. Ba mũi đột phá trước đây “con người, cơ sở hạ tầng và thể chế” vẫn còn nguyên giá trị cho yêu cầu phát triển đất nước. Bây giờ phải đặt lại thật đúng vai trò của khoa học. Có như vậy, Chính phủ mới có đủ thể chế cho các viện, trường, cho các nhà khoa học phát huy khả năng của họ. Trước hết là ngân sách đầu tư và quản lý ngân sách ấy sao cho hiệu quả. Cơ chế thanh quyết toán, giải ngân đề tài dự án khoa học phải đổi mới thật sự. Mục đích và kết quả sau cùng quan trọng hơn nhiều so với phương tiện quản lý quan liêu, hạch sách.
Có ý kiến cho rằng, với những viện nghiên cứu cơ bản như nghiên cứu về đất đai, bảo vệ thực vật, di truyền chọn giống…, nhà nước cần phải nuôi và đầu tư lớn, làm thật bài bản phục vụ lợi ích lâu dài của đất nước. Còn với những viện chuyên cây, chuyên con, chuyên vùng, nhà nước cần “thả” ra cho tự bơi, thì các viện này sẽ có thể tự sống được. Ý kiến của GS về việc này như thế nào?
Khoa học là một thể thống nhất giữa nghiên cứu cơ bản, ứng dụng và thích nghi. Không được tách rời ra khỏi chức năng một đơn vị nghiên cứu khoa học (viện, trường). Đơn vị nào không đáp ứng được nhiệm vụ của Chính phủ, cần thiết phải giải tán cho tinh gọn.
Lương của nhà khoa học không thể nhập nhèm thành “nhiệm vụ chức năng” mỗi năm của từng viện. Thực tế trở thành vô cùng hình thức, mất nhiều thời gian xây dựng kế hoạch đầu năm và nghiệm thu cuối năm như hiện nay. Tất cả hoàn toàn “ảo”, không thực tế và đẻ ra quá nhiều tiêu cực.
GS Bùi Chí Bửu giới thiệu giống lúa mới tại Viện Lúa ĐBSCL. (Ảnh: Lê Minh) |
GS có ý kiến gì thêm về việc làm sao để các viện, các nhà khoa học nông nghiệp có thể sống được, có nhiều sản phẩm nghiên cứu thiết thực cho phát triển nông nghiệp Việt Nam?
Theo tôi, cần phải giải quyết ngay những vấn đề sau: Mục tiêu nghiên cứu và kế hoạch nghiên cứu ngắn hạn, dài hạn phải rõ ràng; tài chính phải thỏa mãn yêu cầu bức thiết của từng đơn vị nghiên cứu, giảm thiểu sự lãng phí do không phải làm đề tài nào, mà vẫn nhận tiền lương hàng tháng; xem xét lại thu nhập của cán bộ khoa học ít nhất phải ngang bằng với các nước khối ASEAN, giảm chảy máu chất xám, có chế độ khen thưởng thích đáng với các công trình khoa học được công bố trên tạp chí danh tiếng và có tác động cho sản xuất; đầu tư cơ sở hạ tầng cho khoa học (đồng ruộng, phòng thí nghiệm, tạp chí khoa học đặt mua hàng năm…); chống sự biến tướng trong quản lý “bản quyền” giống nông nghiệp từ lãnh đạo viện đến các tổ chức thuộc Bộ, để rồi cuối cùng nhà khoa học chọn giống không được hưởng thỏa đáng.
Hãy thay đổi để chúng ta thấy được thay đổi ấy trong thế giới này (Be the change that you will see in the world). Đó là lời của Mahatma – Ghandi và câu nói này vẫn luôn luôn đúng.
Cảm ơn GS!
Theo Thanh Sơn - Nguyễn Thủy / Nongnghiep.vn