TP.HCM: Công bố 3 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực

TP.HCM: Công bố 3 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực
UBND TP.HCM vừa ban hành tiêu chí và danh mục nhóm sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp TP.HCM thuộc 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Nhóm sản phẩm cây trồng, năm 2017 đạt 11.199 tỷ đồng (chiếm 57,5% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp). Sản phẩm chính là rau, hoa màu, với diện tích gieo trồng rau năm 2017 là 7.270ha (đạt 490.416 tấn mỗi năm), trong đó diện tích có ứng dụng CNC đạt 1.301ha (chiếm 37% so với tổng diện tích trong TP). Hoa lan được xác định là sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp TP, năm 2017, giá trị sản xuất đạt hơn 615 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2020 diện tích trồng lan tăng lên khoảng 400ha, năm 2025 đạt 550ha và năm 2030 đạt khoảng 600ha.

Nhóm sản phẩm chăn nuôi gồm bò sữa (con giống, sữa), heo (con giống, thịt), với tổng đàn bò sữa năm 2017 của TP đạt 79.000 con, giá trị sản xuất có ứng dụng CNC đạt 2.006 tỷ đồng (chiếm 70,5% so với tổng giá trị sản xuất bò sữa của TP). Sản lượng năm 2017 đạt 285.545 tấn, năng suất sữa năm 2017 đạt 16,2 kg/con/ngày. Chăn nuôi bò sữa đã đem lại thu nhập cao cho người dân TP với tổng đàn heo năm 2017 đạt 335.000 con, trong đó đang sinh sản là 50.000 con, đàn heo có ứng dụng CNC năm 2017 đạt 188.863 con, giá trị sản xuất có ứng dụng CNC đạt 2.120 tỷ đồng. Năm 2017 cung cấp khoảng 1 triệu giống heo, 19.400 con giống bò sữa hàng hóa, cung cấp cho TP và các tỉnh.

17-00-49_hinh_2
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng các lãnh đạo tham quan các sản phẩm chủ lực của TP.HCM giai đoạn 2018 - 2020

Nhóm sản phẩm thủy sản là tôm nước lợ chiếm tỷ trọng 49,2% so với ngành thủy sản và 10,7% so với ngành tôm. Diện tích nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC năm 2017 đạt 910ha, giá trị sản xuất đạt 773 tỷ đồng. Tại Cần Giờ có khoảng 2.200ha nuôi tôm tập trung ở các xã Bình Chánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Tăng Thôn Hiệp. Theo định hướng phát triển của TP đến năm 2025 diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại Cần Giờ là 2.400ha, Nhà Bè là 120ha.

Mô hình nuôi tôm tại TP đã sử dụng các trang thiết bị hiện đại như máy bơm tự động, hệ thống xử lý ô xy tự động, hệ thống làm sạch ao, đã giảm tới mức thấp nhất các khả năng gây dịch bệnh. Một số hộ nuôi tôm đã sử dụng hệ thống ao nuôi lót bạt đáy, mái che trên mặt ao nhằm hạn chế tối đa tác động của thời tiết tới ao nuôi, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần.

Nhóm sản phẩm tiềm năng là cá cảnh. Trong những năm gần đây, nghề nuôi cá cảnh của TP có tốc độ phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân của sản lượng cá cảnh xuất khẩu đạt 18,6%, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 27%. Chuyển dịch trong cơ cấu ngành nông nghiệp phát huy hiệu quả ngày một cao. Diện tích nuôi cá cảnh CNC năm 2017 đạt 88ha. TP.HCM đã có các chính sách phát triển cá cảnh cũng như hỗ trợ kỹ thuật, huấn luyện cho các hộ gia đình cũng như phát triển sản xuất.

17-00-49_hinh_3-
Cá cảnh là sản phẩm tiềm năng của ngành nông nghiệp TP.HCM giai đoạn 2018 - 2020
NGUYỄN THỦY/nongnghiep.vn