TP HCM: Hội cần làm cầu nối tiêu thụ nông sản cho nông dân
- Thứ bảy - 13/10/2018 23:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Sở NN&PTNT TP.HCM, tính đến tháng 8.2018, diện tích gieo trồng rau toàn thành phố đạt 11.239 ha. Trong đó, tổng số cơ sở sản xuất rau, quả được chứng nhận VietGAP là 1.128 cơ sở, với tổng diện tích canh tác 950,08 ha, tương đương 5.194,29 ha diện tích gieo trồng, sản lượng dự kiến 123.511 tấn/năm. Hiện thành phố có 406,7 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất các loại rau ăn lá, rau ăn quả cung cấp ra thị trường.
Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát tại một số vùng trồng rau chuyên canh của thành phố cho thấy, ngoài diện tích canh tác theo các tiêu chuẩn như VietGap, GlobalGap đầu ra của sản phẩm được các doanh nghiệp có hợp đồng thu mua, bao tiêu thì số còn lại hầu hết canh tác tự do, nhỏ lẻ, đầu ra gần như phụ thuộc vào giá cả thị trường, không ổn định.
Mô hình trồng dưa leo ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Thông Hội, Củ Chi. Ảnh: Hữu Quang
Bà Phạm Thị Nhàn, nông dân trồng rau ở ấp Vàm Lớn, xã Trung Lập Thượng, Củ Chi cho biết: “Hiện nay rau củ quả có nhiều doanh nghiệp thu mua nhưng chưa liên kết hết, chưa sát với thực tế. Ví dụ như cây ớt là một cây rất mẫn cảm với thời tiết, khó trồng, nhưng giá cả lại không hấp dẫn, người dân địa phương trồng ớt chưa nhiều, nên dù có doanh nghiệp thu mua, chế biến tại địa phương, nhưng nông dân tại chỗ lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp vì yêu cầu số lượng lớn, diện tích trồng của mỗi nhà lại ít, không đủ để giao”.
Cũng là một hộ trồng rau ở ấp Vàm Lớn, ông Trần Chí Giàu than thở: “Vẫn biết là trồng rau theo các tiêu chuẩn như VietGap, trồng công nghệ cao thì sẽ có cơ hội tốt cho đầu ra, nhưng không phải ai cũng có khả năng làm được vì vốn đầu tư ban đầu khá cao, cần có kỹ thuật. Do đó, nếu được thì các cơ quan ban ngành có thể mời các công ty uy tín về đầu tư cho chúng tôi về cơ sở vật chất, hướng dẫn kỹ thuật, chúng tôi sẽ làm theo, sản phẩm bán cho họ theo hợp đồng. Như vậy sẽ tránh được tình trạng bị thương lái ép giá”.
Mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Trung Lập Thượng, Củ Chi. Ảnh: IT
Về vấn đề thu mua nông sản, ngay cả các doanh nghiệp cũng gặp khó, ngoài các hợp đồng bao tiêu đã ký kết trước với người dân trong đó có yêu cầu về số lượng, quy cách sản phẩm thì doanh nghiệp có thể đảm bảo thu mua được. Số còn lại người dân có sản phẩm nhưng số lượng ít, không theo các tiêu chuẩn của doanh nghiệp đề ra nên không thể thu mua.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Sương (công ty Huynh Đệ Tề Hùng) cho biết công ty chuyên kinh doanh về nông sản, các sản phẩm sau khi thu mua đa phần sẽ được sơ chế, chế biến công nghiệp, các doanh nghiệp luôn cần một lượng lớn. Công ty cũng không thể có nhân lực để cứ thu mua nhỏ lẻ từ nông dân. Giải pháp là những hộ nông dân có sản phẩm nhưng số lượng ít có thể liên kết với nhau, cử một người đứng ra làm đại diện giao dịch với công ty. Về quy cách sản phẩm cũng vậy, vì chế biến công nghiệp nên các sản phẩm cũng phải đúng tiêu chuẩn, quy cách chứ không phải sản phẩm loại nào cũng mua được. Do đó, khi bắt tay trồng loại nông sản nào thì nông dân nên chú ý đến yêu cầu của doanh nghiệp thu mua, như vậy sẽ đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm của mình.
Trước những hạn chế trên, bà Trần Thị Lệ, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi cho biết: “Sẽ cố gắng mỗi năm cho ra mắt 1 tổ hợp tác, gắn với địa phương, phục vụ nhu cầu người nông dân trên địa bàn để nông dân tham gia sản xuất tốt hơn, các tổ hợp tác sẽ liên kết với khuyến nông, khu nông nghiệp công nghệ cao, để trang bị cho hội viên kỹ thuật trong quá trình sản xuất, khi tham tổ hợp tác phải đăng ký tiêu chuẩn như VietGap. Như vậy thì người thu mua sẽ đáp ứng, liên kết, phối hợp nhau cùng sản xuất, cùng tham gia tổ hợp tác. Trong thời gian tới sẽ có những chuỗi liên kết thu mua nông sản cho nông dân cung cấp cho các chuỗi siêu thị trên địa bàn”.
Nhiều hoạt động Hội chợ, triễn lãm, xúc tiến thương mại được thành phố tổ chức nhằm giúp nông sản của nông dân đến được với người tiêu dùng. Ảnh: HQ
Cũng trong nỗ lực giúp đưa nông sản của nông dân tiếp cận tốt hơn với thị trường, theo Sở NN&PTNT TP.HCM, trong 8 tháng đầu năm 2018, thành phố đã tổ chức 94 kỳ chợ phiên nông sản an toàn, có 1.807 đơn vị tham gia với 1.905 gian hàng. Qua các kỳ chợ phiên các đơn vị đã kết nối tiêu thụ nông sản đạt 146 hợp đồng, đơn đặt hàng với giá trị khoảng 16,83 tỉ đồng/tháng.
Theo Dân Việt