TP. HCM muốn có sàn giao dịch heo như sàn chứng khoán

TP. HCM muốn có sàn giao dịch heo như sàn chứng khoán
Sàn giao dịch heo sẽ giúp các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ và thương nhân/chợ đầu mối giao dịch trực tiếp mà không qua thương lái, thương lái chỉ cung cấp dịch vụ logistics.
16-17-14_thit_heo_-_nguyen_thuy_2
Giết mổ heo ở TP. HCM.

Và tiến tới chấm dứt lò giết mổ thủ công, tập trung giết mổ công nghiệp, đưa sản phẩm thịt heo chất lượng đến người tiêu dùng với giá hợp lý.

Ngày 14/11, Sở Công thương TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm “Trao đổi, lấy ý kiến vận hành mô hình dự kiến sàn giao dịch heo trên địa bàn TP.HCM”.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó trưởng ban Đề án Sàn giao dịch Heo, Chủ tịch HĐTV Công ty đầu tư tài chính nhà nước cho rằng, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tươi sống nói chung và thịt heo nói riêng tại TP.HCM là rất lớn, tập quán tiêu dùng thịt nóng của người dân còn phổ biến. Hiện TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo/ngày, giá trị tương đương 2 triệu USD, tổng giá trị khoảng 750 triệu USD/năm.

Heo nhập về TP từ 1.500 cơ sở chăn nuôi thuộc 10 tỉnh thành lân cận, 1.500 cơ sở chăn nuôi heo, 24 cơ sở giết mổ (Long An có 9 cơ sở giết mổ, chiếm 45% số lượng; 8 cơ sở tại các tỉnh khác, chiếm 5% số lượng), 70 thương lái và 100 thương nhân kinh doanh heo mảnh tại chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn; 12 nhà bán lẻ hiện đại.

Trong khi đó, chất lượng, quy cách, tiêu chuẩn của sản phẩm thịt heo không đồng bộ. Phần lớn heo còn được giết mổ tại nhiều cơ sở giết mổ thủ công, không đảm bảo vệ sinh dịch tễ, VSATTP. Phương thức kinh doanh đơn giản, cơ sở hạ tầng và logistic hạn chế, yếu kém.

Với tình hình hiện nay, ông Hòa cho rằng, người nông dân đang bị thiệt thòi bởi không được quyết định giá và luôn ở thế bị động. Người tiêu dùng cũng không biết được giá cả cụ thể để đưa ra lựa chọn cho sản phẩm. Cơ bản thương lái trung gian chi phối thị trường, thông tin thiếu, không minh bạch.

“Nếu có sàn giao dịch heo, người nông dân và thương nhân có thể giao dịch trực tiếp và cũng có thể quyết định được giá cả, bởi thông tin được minh bạch. Khi đó, thương lái chỉ có chức năng làm công tác logistic, họ hưởng thu nhập chính từ dịch vụ logistis mà không được tham gia vào giá cả. Khi thông tin có heo được cập nhật trên sàn giao dịch, thương lái sẽ biết được nơi nào có heo và cũng biết được ai là người mua, điều đó sẽ giúp cho hoạt động logistics của thương lái chuyên nghiệp hơn.

Mặt khác, Sàn giao dịch heo phải kết nối được chủ thể quan trọng trong chuỗi cung ứng, đó là chủ thể chăn nuôi và chủ thể giết mổ và thương nhân chợ đầu mối, tiến tới chấm dứt lò giết mổ thủ công.

Khi tham gia Sàn giao dịch heo, các cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; phải có truy xuất nguồn gốc và phải được giết mổ công nghiệp thì mới được lên sàn giao dịch. "Thương nhân, chợ đầu mối sẽ lên sàn giao dịch lựa chọn nơi cung cấp heo, giống như sàn chứng khoán”, ông Hòa nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng Phòng quản lý thương mại, Sở Công thương TP.HCM cho hay, trước đây chúng ta đã từng thử nghiệm 2 sàn giao dịch là cà phê ở Đăk Lăk và tôm ở Cần Giờ nhưng thất bại, do không biết chủ thể là ai... Còn hiện nay, TP.HCM đã có đủ điều kiện để xây dựng và vận hành sàn giao dịch heo hơi với thống kê tương đối đầy đủ danh sách, số liệu hoạt động chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh thịt heo tại TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận.

Bên cạnh đó, với lợi thế đã có đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, TP đã có dữ liệu tương đối đầy đủ của 270 cơ sở chăn nuôi xuất bán/tháng, hai chợ đầu mối, 40 thương lái kinh doanh, 7 cơ sở giết mổ, chiếm 50% lượng heo tiêu thụ trên địa bàn. Chính vì vậy, họ đã quen sử dụng thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc… Đó là những thuận lợi, tạo tiền đề cho sàn giao dịch vận hành dễ dàng và hiệu quả.

NGUYỄN THỦYhttps://nongnghiep.vn/