Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước - triển vọng 2018 Bài 1: Nguyên nhân rất cũ
- Thứ sáu - 24/11/2017 04:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn |
Chỉ đạt 1/6 kế hoạch
Kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn năm 2018 đã nặng nề lại phải “cõng” thêm lượng lớn hàng “tồn kho” năm 2017. Với tình trạng kế hoạch “chồng” kế hoạch này, nhiều chuyên gia lo ngại tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước một lần nữa trễ hẹn. Tuy nhiên, cũng có một vài lý do để hy vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn. |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế 10 tháng năm 2017 có 38 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH). Trong đó, chỉ có 11/44 doanh nghiệp thuộc danh sách phải CPH trong năm nay. 27 doanh nghiệp còn lại thuộc diện giải quyết “hàng tồn kho” theo đề án tái cơ cấu giai đoạn trước.
Về thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng, năm nay sẽ thoái vốn nhà nước tại 135 doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, đến hết tháng 10 mới chỉ 5 DN thực hiện thoái 54,8 tỷ đồng và thu về gần 72 tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng, các đơn vị đã thoái được 4,4 nghìn tỷ đồng và thu về 16,7 nghìn tỷ đồng (gồm cả thoái vốn ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng, vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác và hoạt động bán vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC). Báo cáo trước QH vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng thu từ CPH và thoái vốn năm nay ước đạt 10 nghìn tỷ đồng trong khi QH đặt mục tiêu 60 nghìn tỷ đồng. Ông Dũng nhận định, tiến độ CPH, thoái vốn chậm và khó đạt kế hoạch.
Sự chậm trễ xảy ra ở cả Trung ương và địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bộ NN - PTNT, Bộ Công thương… Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quy mô lớn bị trễ hẹn, hiện vẫn chưa thể phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Nam...
Điều đáng nói nữa là khu vực DNNN không những chưa thu hẹp được mà ngày càng phình to. Theo Báo cáo hợp nhất của Chính phủ gửi đến QH, hết năm 2016, cả nước có 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tổng tài sản của các doanh nghiệp là 3 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 1,3 triệu tỷ đồng, đều tăng 4% so với thực hiện năm 2015. Báo cáo cũng cho biết, có 273 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Năm 2016, tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp cổ phần là 495 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 167 nghìn tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 14% so với năm 2015. Trong đó, vốn điều lệ của các doanh nghiệp cổ phần hơn 88 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị vốn nhà nước góp hơn 65 nghìn tỷ đồng, bình quân chiếm 74% vốn điều lệ.
Chậm vì có cớ để trì hoãn
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tiến độ CPH, thoái vốn chậm được Bộ Tài chính đưa ra là các doanh nghiệp CPH giai đoạn này chủ yếu có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý và có sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước. Một số bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo DNNN vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm... Hai lý do này dù được nói đến rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa được cải thiện. Tại buổi họp giao ban về tình hình tái cơ cấu DNNN hồi tháng 6.2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu: “Có tâm lý e ngại từ một số vụ việc trước đây bị thanh tra, kiểm tra, nên có chuyện đùn đẩy, hỏi ý kiến lên tận Chính phủ; có nơi ngại không muốn làm, sợ sai phạm”.
Sabeco sẽ gặp nhà đầu tư tại Singapore và Anh trong tháng 11.2017 để thúc đẩy thoái vốn |
Nguồn: ITN |
Tại sao tình trạng này đã biết nhưng vẫn không được khắc phục? Khách quan mà nói, việc chậm trễ là do cả phía Trung ương và địa phương, cả các chủ sở hữu lẫn doanh nghiệp. Chính phủ và các bộ, ngành tham mưu chậm xây dựng kế hoạch, chậm ban hành các cơ chế chính sách để tháo gỡ kịp thời. Cụ thể, đối với CPH, đến 25.5.2017, Chính phủ mới ban hành Quyết định 707/QĐ-TTg phê duyệt đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016-2020. Và đến ngày 10.7.2017, Chính phủ mới phê duyệt danh mục DNNN sẽ CPH theo từng năm trong giai đoạn 2017- 2020. Về thoái vốn, ngày 17.8, Chính phủ mới phê duyệt danh mục doanh nghiệp phải thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020. Về cơ chế chính sách, Nghị định 59/2011/NĐ-CP về CPH và Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư kinh doanh vốn (bao hàm phần thoái vốn) bộc lộ những bất cập từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được sửa đổi.
Sẵn tư tưởng muốn trì hoãn CPH, thoái vốn lại thêm cơ chế chính sách chưa rõ, các chủ sở hữu, doanh nghiệp viện lý do vướng mắc, chờ... xin ý kiến và điệp khúc “vỡ” tiến độ lại xảy ra. Lý giải về việc chậm thực hiện tái cơ cấu, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho hay, do đa phần các công ty thuộc diện CPH ở thành phố là doanh nghiệp công ích, có nhiều vướng mắc cần xin ý kiến của Ban thường vụ Thành ủy... Dù vướng mắc từ chính sách là có nhưng tại sao cùng một cơ chế đó có nơi làm tốt, có nơi lại liên tục chậm, như TP Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm không thoái được đồng vốn nào?
Theo đaioanket.vn