Tái cơ cấu kinh tế: Vốn con người là ưu tiên số 1
- Thứ sáu - 04/11/2016 00:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trước Quốc hội chiều 3/11. Ảnh: VGP/Hoàng Anh |
Phát biểu trước Quốc hội chiều 3/11, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết đồng tình với quan điểm, giải pháp của Chính phủ và đặt vấn đề “Tái cơ cấu bắt đầu từ đâu”. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng tái cơ cấu ngành khác với việc tái cơ cấu một doanh nghiệp bởi người chủ doanh nghiệp điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, mọi mệnh lệnh đều được cấp dưới thực hiện và chủ DN sẽ quan tâm, đeo bám việc tái cơ cấu bởi đó là lợi ích của mình.
Trong khi đó, việc tái cơ cấu ngành thì không phải như vậy. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, trong dây chuyền sản xuất của ngành có 3 khâu là cung cấp đầu vào, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bán ra thị trường với nhiều doanh nghiệp với đủ loại thành phần từ DN Nhà nước, tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài… tham gia. Vì vậy, không có ai là chủ sở hữu của dây chuyền sản xuất của cả một ngành và do đó không có ai có quyền ra lệnh cho tất cả các khâu. Vì vậy, để tái cơ cấu một ngành, cần sự phối hợp của các doanh nghiệp ở cả 3 khâu.
Nhìn lại quá trình tái cơ cấu các ngành vừa qua, theo người đứng đầu MTTQ Việt Nam, còn có sự thiếu sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và Nhà nước. Vì vậy, cần hợp tác công - tư trong tái cơ cấu ngành để DN cùng Nhà nước bàn xem thị trường đang cần gì, nên tập trung cho sản phẩm nào của ngành, DN làm được gì, Nhà nước hỗ trợ ra sao… để có thể tái cơ cấu ngành một cách hiệu quả.
Cho rằng vốn là yếu tố rất quan trọng trong phát triển kinh tế, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, trong điều kiện nợ công còn cao thì cần phát huy vốn trong dân, vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguồn nhân lực là một tài sản rất quý giá và đây là lợi thế vô cùng quan trọng. Phân tích về tình hình lao động tương quan với một số nước ở châu Á, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam có lợi thế lao động trong khoảng 30 năm nữa.
Về năng suất lao động, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ rõ, cần phân biệt năng suất lao động kỹ thuật và năng suất lao động kinh tế. Ở những lĩnh vực sản xuất như dệt may, điện tử, nếu thiết bị công nghệ của các doanh nghiệp ở Việt Nam được đầu tư như ở nước nước ngoài thì năng suất lao động của người Việt Nam không hề thua kém nước ngoài. Trong nông nghiệp, năng suất lúa, điều, nuôi cá tôm của Việt Nam đều thuộc vào loại cao nhất thế giới. Do đó, nếu được đầu tư trang thiết bị như nhau, năng suất lao động kỹ thuật của công nhân Việt Nam hoàn toàn có thể tương đương với các nước khác.
Tuy nhiên, thu nhập của công nhân dệt may, của nông dân Việt Nam lại rất thấp. Ông Nguyễn Thiện Nhân lý giải đó là vì lao động công nghiệp ở Việt Nam có mức lương thấp hơn ở nước ngoài hàng chục lần, do đó phần giá trị gia tăng còn lại do người lao động tạo ra thuộc về chủ doanh nghiệp. Còn trong nông nghiệp, thu nhập của nông dân thấp do còn bị ép giá khi tiêu thụ sản phẩm.
Từ những yếu tố trên, trong thời gian tới, người đứng đầu Mặt trận cho rằng, cần coi trọng tối đa việc phát huy vốn lớn nhất là con người, tìm cách để cho hầu hết lao động Việt Nam có việc làm. “Sử dụng vốn con người, phát huy vốn con người phải là ưu tiên số 1 trong quá trình tái cơ cấu kinh tế”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.
Tạo động lực cho kinh tế vùng phát triển
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng đặt vấn đề vì sao các vùng kinh tế phối hợp kém hiệu quả. Đó là bởi mỗi tỉnh do một Tỉnh ủy và UBND tỉnh lãnh đạo. Kết quả kinh tế-xã hội của tỉnh đó một mình tỉnh đó hưởng nên có xu hướng "mạnh ai nấy làm".
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, để triển khai phối hợp kinh tế vùng phải có 3 đại diện, phải hợp tác 3 bên. Đó là 2 sự hợp tác công và 1 hợp tác tư, trong đó 2 hợp tác công là chính quyền địa phương và chính quyền Trung ương; 1 hợp tác tư đó là hiệp hội doanh nghiệp của ngành hàng. Ba bên trao đổi với nhau để vừa thuyết phục nhau về lợi ích của hợp tác vùng vừa tin tưởng phối hợp đầu tư của các bên và chia sẻ lợi ích của phối hợp trong vùng kinh tế.
Liên quan đến kinh tế vùng, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện nay 5 thành phố, gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và 2 tỉnh là Bình Dương, Đồng Nai chỉ chiếm 5,5% diện tích cả nước, 27% dân số và 24% lao động nhưng 7 địa phương này tạo ra 53% GDP cả nước; 71% thu ngân sách và 50% xuất khẩu của cả nước. Năng suất lao động bình quân của 7 địa phương này bằng 3,3 lần năng suất lao động bình quân của các tỉnh còn lại.
Như vậy, thực tế đòi hỏi cần có một chính sách phù hợp để các tỉnh, thành phố này là trung tâm động lực phát triển của đất nước, phát triển nhanh và bền vững hơn, từ đó đóng góp ngân sách ngày càng nhiều hơn. Việc quản lý địa phương này phải là quản lý đô thị, không phải quản lý nông thôn.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cần có chiến lược xuất khẩu vào từng thị trường quốc gia. Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu sang khoảng 80 nước. Tuy nhiên, có những nước có GDP lớn với sức mua rất lớn. Vì vậy nếu chúng ta tập trung xúc tiến vào khoảng 20 nước nhập khẩu hàng đầu thì không những sẽ bảo đảm được 85% tổng xuất khẩu của cả nước mà còn có thể tăng hơn nữa.
Theo ChinhPhu