Tái đàn chăn nuôi lợn an toàn đảm bảo bình ổn thị trường dịp cuối năm

Tại hội nghị "Tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững" diễn ra sáng ngày 17/10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, trong kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững không chỉ hướng đến cung ứng đủ thực phẩm mà còn bình ổn giá cả thị trường.

Theo báo cáo, đến nay, số lợn chết và tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi là 5,5 triệu con; tổng đàn lợn của 56 tỉnh, thành phố tính đến hết tháng 8 năm nay là hơn 22 triệu con, giảm 16% so với thời điểm tháng 10 năm ngoái, trong đó đàn nái khoảng 2,9 triệu con, nếu tái đàn vào thời điểm hiện nay sẽ hoàn toàn chủ động được con giống.

Thống nhất các giải pháp tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững, các đại biểu cho rằng, số lượng trang trại chăn nuôi lợn áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng gia tăng so với các năm trước, hiện cả nước có gần 28 nghìn hộ chăn nuôi lợn an toàn sinh học, với tổng đàn khoảng 280 nghìn con. Thực tế cho thấy, đối với những cơ sở trang trại chăn nuôi làm tốt công tác an toàn sinh học vẫn giữ được an toàn đàn vật nuôi đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Vì vậy, ngoài tăng cường phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ để bù đắp lại nguồn thực phẩm thiếu hụt do bệnh dịch tả lợn Châu Phi, ngành cần đặc biệt chú trọng giải pháp duy trì và phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học để chủ động nguồn cung thực phẩm cuối năm 2019, đặc biệt là dịp tết nguyên đán Canh Tý và các tháng đầu năm 2020.

Ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin - đơn vị cung cấp giống và sản xuất chuỗi trong chăn nuôi cho biết, từ nay đến cuối năm Tập đoàn sẽ cung cấp lượng lợn nái ra bên ngoài khoảng 10 nghìn con, và 60 nghìn đến 70 nghìn lợn con hỗ trợ cho hệ thống chăn nuôi ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, quý IV hàng năm và quý I của  năm sau bao giờ cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm cao nhất. Xác định nguồn cung thiếu hụt do tác động của dịch tả lợn châu Phi ngay từ đầu năm Bộ đã có chủ trương tăng đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ. Đến nay đàn gia cầm cả nước tăng trưởng 12%; đại gia súc ăn cỏ tăng 4,2%; thủy sản tăng cả về khai thác và nuôi trồng với sản lượng 8 triệu tấn, với cơ cấu 3 loại thực phẩm này không chỉ bù đắp lại nguồn thực phẩm thiếu hụt do bệnh dịch tả lợn Châu Phi mà còn phục vụ xuất khẩu.

Về tái đàn chăn nuôi sau dịch bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, giải pháp là tập trung sẽ tăng đàn ở những vùng chăn nuôi lớn đảm bảo an toàn sinh học, với những hộ quy mô nhỏ và vừa phải đảm bảo được những yếu tố về an toàn sinh học. Cùng với đó là các nhóm giải pháp tổng thể về thủy sản, gia cầm, đại gia súc để cung ứng thực phẩm, quan trọng nhất là giữ bình ổn được giá không để xáo trộn, không để ảnh hưởng đến chỉ số giá cả vào cuối năm.

“Giải pháp thị trường ở đây có 2 vấn đề. Một là tuyên truyền người dân khách quan đúng tình hình, diễn biến đúng nguồn cung - cầu để đảm bảo ổn định tâm lý. Thứ hai tăng cường kiểm soát để đảm bảo không để những sản phẩm bên ngoài vào vì bây giờ vẫn còn nguy cơ xác xuất dịch bệnh, đảm bảo không để thực phẩm đi ra bên ngoài một cách tiểu ngạch, chúng ta phải đảm bảo 1 nền kinh tế hội nhập thương mại lành mạnh. Cái gì chính ngạch thì ta xuất. Như vậy chúng ta mới đảm bảo được ổn định thị trường”-  Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh./.