Tam Dương (Vĩnh Phúc) phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao
- Thứ ba - 18/09/2018 11:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đến nay, sản xuất nông nghiệp của huyện có sự tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực; tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 1.521 tỷ đồng. Huyện chỉ đạo các địa phương tập trung củng cố, phát triển vùng sản xuất hàng nông sản sẵn có, xây dựng mô hình mới, phấn đấu mỗi địa phương trên địa bàn huyện phát triển được một vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nhận định sản xuất rau, quả là thế mạnh của huyện nên đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng sản xuất dưa chuột 400ha (An Hòa, Hợp Hòa, Hướng Đạo, Duy Phiên); bí đỏ 200ha (Hợp Hòa, Hoàng Lâu, Thanh Vân, Đạo Tú); su su, mướp 30ha (Kim Long); rau an toàn VietGAP 30 ha (Vân Hội, Kim Long và An Hòa) góp phần hình thành cơ cấu luân canh đạt giá trị trên 200 triệu đồng/ha/năm.
Lĩnh vực trồng trọt được quan tâm đầu tư từ khâu quy hoạch, công tác giống đến việc ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất với nhiều phương thức đa dạng nhằm giúp nông dân giảm chi phí, khắc phục tình trạng thiếu lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong đó, cây lúa vẫn chiếm ưu thế cả về năng suất, chất lượng, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được thực hiện theo hướng liên kết 4 nhà, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, hiệu quả, thu nhập cho nông dân. Cùng với việc bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện đã tập trung các nguồn lực nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại, coi đó là hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế quan trọng trong nông nghiệp.
Trong vài năm trở lại đây, huyện Tam Dương đã tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ về giống cây, con; xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội từng vùng sinh thái, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị, chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Huyện đã tiến hành phục tráng thành công giống dưa chuột truyền thống Tam Dương (dưa chuột nhắt); thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho một số sản phẩm chủ lực của huyện; xây dựng quy trình canh tác tổng hợp trong sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Nghiên cứu chọn tạo một số giống ớt, xây dựng chuỗi liên kết hướng tới thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm ớt trên địa bàn; phát triển vùng sản xuất mướp, su su tập trung.
Bên cạnh đó, huyện cũng thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất rau, quả và hoa: Xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo VietGAP tại xã Vân Hội với quy mô 0,5 ha rau sản xuất trong nhà lưới và 4,5ha sản xuất rau ngoài trời; xây dựng trên địa bàn huyện 3 vùng sản xuất rau chuyên canh với tổng diện tích 65ha gồm: Vùng rau an toàn Vân Hội với quy mô 25ha; Vùng sản xuất dưa ở An Hòa với quy mô 20ha; Vùng sản xuất susu, mướp ở Kim Long với quy mô 25ha với cơ sở hạ tầng đầu tư đồng bộ, gồm: Đường giao thông nội đồng phân khu, hệ thống kênh thủy lợi hoàn chỉnh; nhà sơ chế rau quả; xây dựng được 1.500m2 nhà kính sản xuất hoa ly, ớt ngọt… tại xã Hoàng Lâu…
Đối với các mặt hàng nông sản, triển vọng xuất khẩu của huyện Tam Dương ngày càng tăng. Ngoài thị trường truyền thống, các nước Tây Âu, Bắc Mỹ, các nước công nghiệp mới Châu Á đang có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều các sản phẩm nông sản mà Tam Dương có thế mạnh sản xuất như rau quả cao cấp, đặc biệt là các loại rau, quả vụ đông: dưa chuột, dứa, nấm, thịt lợn, thịt gà đông lạnh. Tin tưởng rằng với những quyết sách đúng đắn và kịp thời huyện Tam Dương sẽ ngày càng giàu mạnh và là địa chỉ tin cậy không chỉ riêng tỉnh Vĩnh Phúc mà là của cả nước về rau, quả an toàn.
Thanh Hoài/ Công luận