Tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường: Nông nghiệp cần một cuộc cách mạng

Tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường: Nông nghiệp cần một cuộc cách mạng
Việt Nam đang thực thi 7 hiệp định thương mại tự do, 6 hiệp định thương mại tự do khác chuẩn bị có hiệu lực. Trong bối cảnh đó, “Ngành nông nghiệp muốn hội nhập thành công thì cần phải có cuộc cách mạng”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.

Cả nước có 12 triệu hộ nông dân, nhưng bình quân diện tích đất canh tác chỉ có 0,3 ha/hộ. Bước vào ngưỡng cửa hội nhập mà cả nước chỉ có 29.500 trang trại, 1.000 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới thực sự hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và khoảng 3.100 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Những con số trên cho thấy, sản xuất nông nghiệp của nước ta rất nhỏ lẻ, manh mún, chưa tập trung sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung khai thác sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh… Nếu không có cuộc cải cách mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, trong đó phải quyết liệt thực hiện tái cơ cấu và Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới thì phải nói thẳng rằng, ngành nông nghiệp không đủ lực cạnh tranh khi hội nhập.

.
Tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường

Nói vậy chẳng lẽ sau hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp không đạt được hiệu quả, thưa ông?

Tháng 6/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp. Triển khai đề án này, các bộ, ngành đã xây dựng 6 chương trình tái cơ cấu chuyên ngành, nhiều địa phương rất quyết tâm tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương mình, trong đó có những địa phương bước đầu có thể nói là đã thành công.

Đơn cử, Đồng Tháp tập trung vào phát triển 5 sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, có sức cạnh tranh. Lâm Đồng tập trung ứng dụng công nghệ cao để khai thác lợi thế sản xuất rau, hoa, nên mỗi héc ta đất canh tác, người dân thu được trên 245 triệu đồng/năm… Một số doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư vào nông nghiệp, sẵn sàng đầu tư lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất của thế giới vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp như TH true Milk, Vinamilk, sữa Mộc Châu…, nên sản phẩm của họ đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa và ngày càng chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đứng vững ở thị trường nội địa, từng bước vươn ra thị trường nước ngoài chưa nhiều. Chính vì vậy, như tôi nói, ngành nông nghiệp cần phải làm cuộc cách mạng mẽ trước ngưỡng cửa hội nhập.

Một nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của cha ông và “lạy trời mưa xuống/lấy nước tôi uống/lấy ruộng tôi cày” thì cần phải bắt đầu cuộc cách mạng từ đâu?

Bình quân mỗi hộ nông dân có 0,3 ha đất đai canh tác thì làm sao áp dụng được khoa học - công nghệ tiên tiến; làm sao hạ được giá thành đầu vào của sản xuất; làm sao giảm thiểu được bảo quản sau thu hoạch… và làm sao thương thảo được giá cả cho đầu ra của sản phẩm.

Muốn khắc phục được những hạn chế này thì người nông dân phải hợp tác với nhau, cùng nhau sản xuất dưới quy mô HTX kiểu mới. Chúng ta đã có Luật HTX năm 2012, nhưng tiếc rằng, sau 3 năm triển khai, đến nay mới chỉ có khoảng 1.000 HTX nông nghiệp, tức là mới có 10% số HTX nông nghiệp hoạt động theo đúng mô hình HTX kiểu mới.

Có nghĩa là, Luật HTX năm 2012 không đi vào cuộc sống, thưa ông?

Tôi cho rằng, nền sản xuất nông nghiệp về cơ bản vẫn nhỏ lẻ, manh mún, lỗi không phải do người nông dân, mà là do khâu tổ chức triển khai Luật HTX năm 2012. Thực tế cho thấy, ở đâu chính quyền địa phương quan tâm thì mô hình HTX phát triển và ngược lại. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các bộ, ngành phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; các địa phương phải tập trung phát triển mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới theo đúng tinh thần của Luật HTX năm 2012.

Nước ta có 7 vùng kinh tế, mỗi vùng có thế mạnh riêng về sản xuất nông nghiệp, thậm chí rất nhiều địa phương có lợi thế về những sản phẩm nông nghiệp nào đó, nếu người nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, không hợp tác với nhau thì khó lòng cạnh tranh được. Ngược lại, nếu người nông dân hợp tác với nhau dưới mô hình HTX kiểu mới và HTX kiểu mới do các thành viên thực sự làm chủ hợp tác với doanh nghiệp, thì các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam không ngại cạnh tranh với sản phẩm nông nghiệp của các nước khác.

Ông nói rằng, cần phải có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhưng trên thực tế đã có nhiều cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này?

Đúng là chúng ta có nhiều cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Nhờ đó, một số doanh nghiệp quy mô lớn, kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực mấy năm gần đây đã bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp.

Nhưng với quốc gia có gần 70% dân số làm nông nghiệp, mà chỉ có khoảng 3.100 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, thì rõ ràng các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn. Trong một nền nông nghiệp hiện đại và ngày càng cạnh tranh gay gắt, nếu không có doanh nghiệp làm hạt nhân nòng cốt, nếu không có HTX làm nền tảng thì không thể có đủ vốn để đầu tư, không thể ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến từ khâu sản xuất, bảo quản sau thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm và không thể gắn sản xuất với phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Vì vậy, tập trung phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chính là cuộc cách mạng của ngành nông nghiệp trước ngưỡng cửa hội nhập.

Theo Báo Đầu Tư