Hiện nay Việt Nam chưa có trường hợp mắc bệnh trên người cũng như trên gia cầm và đang ở tình huống một trong Kế hoạch phòng chống dịch cúm A (H7N9) tại Việt Nam của Bộ Y tế và Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, trước tình hình số mắc gia tăng đột biến ở Trung Quốc, đã lan rộng đến tỉnh biên giới giáp Việt Nam, trong bối cảnh người dân giao lưu thương mại, du lịch rất lớn cùng với việc gia cầm nhập lậu diễn biến phức tạp, khó kiểm soát nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam rất cao.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, có thể rất sớm trong thời gian tới Việt Nam sẽ ghi nhận trường hợp mắc trên người từ vùng dịch trở về hoặc ghi nhận virus trên các đàn gia cầm trong nước rồi lây sang người.
Về cúm A (H5N1) từ đầu năm đến nay thế giới ghi nhận sáu trường hợp mắc, sáu trường hợp tử vong do cúm A (H5N1) trên người, trong đó Việt Nam có hai ca mắc, hai ca tử vong. Các trường hợp mắc đều có tiền sử tiếp xúc và chế biến gia cầm ốm, chết.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, dịch cúm A (H5N1) có nguy cơ bùng phát cao trở lại Việt Nam. Hiện nay, dịch cúm gia cầm đang xảy ra tại 16 tỉnh trên cả nước và chưa có xu hướng dừng lại, trong đó có nhiều ổ dịch nhỏ nên nguy cơ lây truyền sang người là rất lớn. Virus cúm vẫn ghi nhận trên các đàn thủy cầm nhưng không có biểu hiện bệnh do đó gây khó khăn cho việc phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch.
Sắp tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch cúm trên gia cầm và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch, không để lây sang người.