Tăng cường tin cậy chính trị và mở ra triển vọng hợp tác mới

Tăng cường tin cậy chính trị và mở ra triển vọng hợp tác mới
Chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng vào tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị, sự hiểu biết lẫn nhau cũng như mở ra nhiều cơ hội và triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu cũng như với các nước Algeria, Bồ Đào Nha, Bulgaria.
 
Tăng cường tin cậy chính trị và mở ra triển vọng hợp tác mới
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng 5 nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu, lãnh đạo Ban thường trực Liên minh Kinh tế Á-Âu tại Lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đêm 6/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Việt Nam về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến đi dự Lễ ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu tại Kazakhstan và thăm chính thức Algeria, Bồ Đào Nha, Bulgaria từ ngày 29/5-6/6/2015.

Một Hiệp định mang nhiều ý nghĩa

Kazakhstan là điểm dừng chân đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến công tác lần này.

Tại đây, từ ngày 29-31/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng 5 nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu, gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đã ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu.

FTA Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu là Hiệp định mang nhiều ý nghĩa cả về chính trị và kinh tế; là FTA thế hệ mới, hiện đại và toàn diện với các linh hoạt cần thiết, có mức độ cam kết cao và bảo đảm cân bằng lợi ích, tính đến điều kiện cụ thể của từng bên; là bước đột phá, có ý nghĩa chiến lược mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu nói chung và với từng nước thành viên nói riêng.

Cùng với các FTA khác, Hiệp định sẽ hỗ trợ việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam sang Liên minh, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư sang các nước thuộc khối Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), mà nhiều nước trong số đó đang tiếp tục bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của Liên minh.

Hiệp định bao gồm các chương chính về lĩnh vực: Thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Phòng vệ thương mại, Thương mại dịch vụ, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Thuận lợi hóa hải quan, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Công nghệ điện tử trong thương mại, Cạnh tranh, Pháp lý và Thể chế…

Về hàng hóa, Liên minh Kinh tế Á-Âu đã dành cho Việt Nam ưu đãi, tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản, như nông sản và hàng công nghiệp (dệt may, da giày, đồ gỗ) và một số sản phẩm chế biến.

Một nội dung quan trọng của Hiệp định này là phía Liên minh sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Cùng với việc xóa bỏ thuế quan, hai bên sẽ triển khai tích cực Chương về SPS, trong đó có các nội dung về công nhận tương đương đối với các biện pháp hoặc hệ thống quản lý trong lĩnh vực liên quan; công nhận lẫn nhau về các khái niệm về thích ứng với điều kiện khu vực, sử dụng kết quả kiểm toán, thông tin của các tổ chức quốc tế lớn; thúc đẩy hợp tác, triển khai các sáng kiến thuận lợi hóa thương mại, hỗ trợ kỹ thuật và thiết lập cơ chế tham vấn hiệu quả giữa hai bên.

Phía Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... Các mặt hàng này nhìn chung đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam, ngược lại góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước.

Riêng đối với các mặt hàng nông sản, tuy được phía Liên minh coi là thuộc diện ưu tiên và đã được Việt Nam đồng ý mở cửa ngay (chẳng hạn như sữa và các sản phẩm sữa, một số sản phẩm ngũ cốc...), nhưng trong bối cảnh hiện nay, do sản xuất nông nghiệp của phía bạn chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa và chưa tập trung cho xuất khẩu nên dự báo trong 5 năm đầu thực thi Hiệp định, ngành Nông nghiệp Việt Nam sẽ không bị tác động rõ rệt do việc nhập khẩu mặt hàng nông sản từ Liên minh.

Về tổng thể, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.

Theo đánh giá bước đầu của Liên minh, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10-12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD). Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh sẽ tăng khoảng 18-20% hằng năm.

Những nội dung về Sở hữu trí tuệ, Cạnh tranh, Phát triển bền vững... của Hiệp định chủ yếu mang tính hợp tác và không vượt quá những cam kết của Việt Nam trong WTO và các FTA đã ký hoặc đang đàm phán, tạo khung khổ để hai bên có thể xem xét hợp tác sâu hơn khi thấy phù hợp.

Có thể nói, Liên minh Kinh tế Á-Âu có dân số hơn 175 triệu người với tổng GDP khoảng 2.500 tỷ USD, tuy là một tổ chức kinh tế mới được thành lập nhưng có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển của một số quốc gia thuộc Liên Xô (cũ) hướng tới một không gian kinh tế thống nhất.

Việc ký kết Hiệp định tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong quan hệ hợp tác toàn diện với các nước thành viên Liên minh. Về mặt kinh tế, mục tiêu chủ yếu của Việt Nam trong đàm phán, ký kết và các cam kết hội nhập nhằm đạt được lợi ích căn bản về kinh tế thông qua việc nâng cao sức cạnh tranh của sản xuất trong nước, tạo cơ hội thúc đẩy thương mại, dịch vụ, đầu tư, đa dạng hoá các thị trường xuất nhập khẩu, tránh sự phụ thuộc vào một thị trường.

Tăng cường tin cậy chính trị và mở ra triển vọng hợp tác mới
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ Thủ tướng các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu, lãnh đạo Ban thường trực Liên minh Kinh tế Á-Âu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cũng tại Kazakhstan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev; gặp Thủ tướng Belarus Andrei Kobyakov; Thủ tướng Armenia Hovik Abrahamyan; Thủ tướng Nga Medvedev; Thủ tướng Kazakhstan Karim Masimov; Thủ tướng Kyrgyzstan Sariev. Thủ tướng cũng có cuộc gặp chung với Thủ tướng các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu; tiếp ông Viktor B. Khristenko, Chủ tịch Ban Thường trực Liên minh Kinh tế Á-Âu…

Bên cạnh tập trung trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước trong Liên minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ hài lòng trước kết quả tích cực của công tác đàm phán và việc ký chính thức FTA giữa Việt Nam và Liên minh, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của sự kiện này, coi đây là bước đột phá trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước thành viên của Liên minh.

Các nhà lãnh đạo cũng trao đổi về kế hoạch phê chuẩn Hiệp định của từng bên và phương hướng triển khai Hiệp định khi có hiệu lực; nhất trí sẽ hợp tác triển khai thực hiện Hiệp định một cách hiệu quả, thiết thực trên tinh thần hữu nghị, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và các nước thành viên trong Liên minh.

Tăng cường tin cậy chính trị và mở ra triển vọng hợp tác mới
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Algeria Abdelmalek Sellal. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việt Nam, Algeria hướng mốc 1 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương

Tạm biệt đất nước Kazakhstan tươi đẹp và giàu lòng mến khách, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm chính thức Cộng hoà Algeria Dân chủ và Nhân dân, một quốc gia Bắc Phi, bên bờ Nam Địa Trung Hải, có diện tích gần 2,4 triệu km2, dân số trên 38 triệu người, có thế mạnh về dầu lửa, khí đốt, tài nguyên sắt, phốt phát, than, đồng, chì, kẽm…

Việt Nam và Algeria có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, đã từng chung vai, sát cánh đấu tranh cho nền độc lập, dân chủ và tự do của mỗi nước, và nói như cách nói của Thủ tướng Abdelmalek Sellal: “Mỗi khi Việt Nam cần Algeria, Algeria luôn ủng hộ Việt Nam. Ngược lại mỗi khi Algeria cần, Việt Nam luôn ủng hộ chúng tôi. Chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trong mọi vấn đề. Đối với chúng tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những người anh hùng của nhân dân Algeria, là những chiến sỹ mẫu mực đấu tranh cho độc lập, dân chủ, tự do của các dân tộc trên thế giới”.

Cũng nói về tình cảm hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc, sau khi nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc về đất nước và con người Việt Nam trong những chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika xúc động bày tỏ: “Việt Nam mãi là tình cảm sâu đậm nhất trong trái tim tôi”.

Trong thời gian ở Algeria (từ 31/5-2/6), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Tổng thống Abdelaziz Bouteflika; hội đàm với Thủ tướng Abdelmalek Sellal; hội kiến Chủ tịch Thượng viện Abdelkader Bensalah; gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt và các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria; tiếp Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Algeria-Việt Nam Hocine Maaloum; tiếp Chủ tịch Hội hữu nghị Algeria-Việt Nam Cherfaoui Tayeb; thăm Công ty Dầu khí quốc gia Algeria (Sonatrach) và một số cơ sở kinh tế của Algeria....

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, hai bên đạt nhất trí cao về nhiều biện pháp, phương hướng nhằm tăng cường hợp tác song phương trong thời gian tới, đặc biệt trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, lao động, y tế, văn hóa, du lịch...

Các nhà lãnh đạo bày tỏ tin tưởng với quyết tâm cao của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Algeria nhất định sẽ tiếp tục phát triển, vươn lên một tầm cao mới, xứng với tình cảm gắn bó hữu nghị lâu đời của hai nước.

Trong hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Abdelmalek Sellal, hai bên đều cho rằng quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước thời gian qua là hết sức tốt đẹp và tiến triển tích cực. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, quan hệ chính trị tốt đẹp và mong muốn của hai bên.

Hai Thủ tướng nhất trí cho rằng trong bối cảnh mới, khi cả hai nước đang đẩy mạnh cải cách, mở cửa, nhất là về kinh tế, hai bên cần xây dựng quan hệ đối tác với những khung khổ hợp tác mới, những mô hình hợp tác phù hợp và hiệu quả hơn.

Trên tinh thần đó, hai Thủ tướng nhất trí việc hai bên tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn và tổ chức quốc tế; ủng hộ lẫn nhau ứng cử và tham gia các tổ chức của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế; tăng cường chỉ đạo để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế Ủy ban hợp tác liên Chính phủ.

Tăng cường tin cậy chính trị và mở ra triển vọng hợp tác mới
Hội đàm cấp cao Việt Nam-Algeria. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hai Thủ tướng nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương từ mức 250 triệu USD hiện nay lên 1 tỷ USD trong vài năm tới, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên hợp tác và xúc tiến các dự án cụ thể theo mô hình mới trên tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dầu khí, khai thác mỏ, dệt may, xây dựng cơ sở hạ tầng, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, viễn thông, du lịch.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Algeria đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ, đồng thời bày tỏ ủng hộ Algeria gia nhập WTO mà không phải tiến hành đàm phán với Việt Nam.

Hai Thủ tướng cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lao động, trong đó có việc Algeria tiếp tục tiếp nhận lao động Việt Nam; mở rộng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tư pháp, quốc phòng, kỹ thuật quân sự, an ninh, tình báo, phòng chống khủng bố, tội phạm.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Abdelmalek Sellaln cũng như các nhà lãnh đạo Algeria khẳng định Algeria luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, thông qua đối thoại để thu hẹp bất đồng; khẳng định Algeria luôn kiên định lập trường này và sẵn sàng đóng góp cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Tăng cường tin cậy chính trị và mở ra triển vọng hợp tác mới
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Bồ Đào Nha

Trong chuyến thăm chính thức Bồ Đào Nha (từ ngày 2-4/6), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Tổng thống Anibal Cavaco Silva; hội đàm với Thủ tướng Pedro Passos Coelho; hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Maria Da Assunsao; dự Đối thoại doanh nghiệp Việt Nam-Bồ Đào Nha; cùng Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho chủ trì khai mạc Diễn đàn Kinh tế Biển…

Tại các cuộc hội kiến, hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo Bồ Đào Nha đã trao đổi và thống nhất nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong thời gian tới.

Với tư cách là thành viên tích cực của EU, Thủ tướng Pedro Passos Coelho khẳng định Bồ Đào Nha ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với EU, ủng hộ việc sớm kết thúc đàm phán và ký kết chính thức Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) cũng như việc EU công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam cùng thời điểm kết thúc đàm phán...

Hai bên nhất trí nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại và khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau. Hai bên thống nhất cần định hướng, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nhiệp hai nước kết nối hợp tác, xây dựng dự án, chương trình hợp tác đáp ứng lợi ích của cả hai bên, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 1 tỷ USD trong một vài năm tới.

Trên tinh thần tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai Thủ tướng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh an toàn và tự do hàng hải đối với hợp tác kinh tế biển, chia sẻ lo ngại về những diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông.

Tăng cường tin cậy chính trị và mở ra triển vọng hợp tác mới
Hội đàm Việt Nam-Bồ Đào Nha. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Bồ Đào Nha nhấn mạnh các tranh chấp cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

“Tôi cho rằng luật pháp quốc tế là công cụ quan trọng nhất. Vì vậy mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chúng tôi cho rằng quốc gia nào cũng đều quan tâm đến an ninh, an toàn và tự do hàng hải, và chúng tôi luôn đề cao việc sử dụng luật pháp quốc tế trong bảo đảm an ninh, an toàn và tự do di chuyển của hàng hóa, con người trên các vùng biển quốc tế”, Thủ tướng Pedro Passos Coelho phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm.

Ngoài ra, hai bên nhất trí hai bên cần đẩy mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa, thể thao; thúc đẩy và mở rộng hợp tác giáo dục-đào tạo…

Tại Diễn đàn Kinh tế Biển, nhấn mạnh phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo vệ môi trường biển và an ninh hàng hải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ những lo ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế đối với tình hình đang diễn ra ở Biển Đông - tuyến hàng hải vận chuyển khoảng 50% khối lượng hàng hóa đường biển thế giới Đông Bắc Á với châu Âu, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải hàng không.

“Chúng ta không thể hợp tác kinh tế biển thành công nếu an ninh, an toàn, tự do hàng hải bị đe dọa”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu và kêu gọi các quốc gia cùng nhau hợp tác phát triển kinh tế biển, cùng nhau giữ gìn môi trường biển và an ninh, an toàn, tự do hàng hải.

Tăng cường tin cậy chính trị và mở ra triển vọng hợp tác mới
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov nhất trí thúc đẩy quan hệ hai nước thành Đối tác chiến lược. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việt Nam-Bulgaria hướng tới quan hệ đối tác chiến lược

Trong thời gian thăm chính thức Bulgaria (từ ngày 4-6/6), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Tổng thống Rosen Plevneliev; hội đàm với Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Tsestka Tsacheva; chủ trì Đối thoại doanh nghiệp Việt Nam-Bulgaria; tiếp Phó Chủ tịch Quốc hội Bulgaria, Chủ tịch Hội Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Bulgaria-Việt Nam Yavor Iliev Haytov và một số đại diện nghị sỹ Bulgaria.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Bulgaria khẳng định hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực để tích cực hướng quan hệ Việt Nam-Bulgaria tới đối tác chiến lược, trong đó trọng tâm là thúc đẩy mô hình hợp tác kinh tế mới cũng như hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Hai Thủ tướng một lần nữa khẳng định sự nhất trí chung giữa hai nước về việc xây dựng “Mô hình hợp tác kinh tế mới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Bulgaria” đã được thông qua trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Bulgaria tại Việt Nam từ ngày 27-31/10/2013.

Hai Thủ tướng khẳng định sẵn sàng khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ quan và doanh nghiệp hai nước tiếp tục kết nối hợp tác, kinh doanh trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và có nhu cầu.

Hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa tại Liên Hợp Quốc. Bulgaria tái khẳng định với tư cách là thành viên của EU và trong các khuôn khổ châu Âu, sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam và EU tăng cường quan hệ, hoàn tất việc phê chuẩn Hiệp định khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA). Phía Bulgaria cũng ủng hộ việc sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) với nhận thức rằng việc hoàn tất Hiệp định này sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước và giúp Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế thành công hơn với tư cách là một nền kinh tế thị trường.

Hai bên nhất trí duy trì hợp tác chặt chẽ trong việc triển khai các dự án hợp tác Tiểu vùng Mekong-Danube trong khuôn khổ Đối thoại ASEM về phát triển bền vững; nhấn mạnh sự gắn bó chặt chẽ của hai nước với việc duy trì hòa bình trên thế giới và việc tăng cường nỗ lực chung đối phó với các thách thức toàn cầu, thúc đẩy thịnh vượng chung.

Hai Thủ tướng nhấn mạnh vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc; tái khẳng định lập trường là mọi tranh chấp khu vực và quốc tế phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, tránh các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng, đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định.

Tăng cường tin cậy chính trị và mở ra triển vọng hợp tác mới
Hội đàm giữa hai Thủ tướng và các quan chức cấp cao hai nước Việt Nam-Bulgaria. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng vào tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị, sự hiểu biết lẫn nhau, đồng thời mở ra nhiều cơ hội và triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu nói chung, từng nước thành viên của Liên minh nói riêng cũng như với các nước Algeria, Bồ Đào Nha và Bulgaria.

Theo chinhphu.vn