Tăng đối thoại, kiến tạo phát triển bền vững

Tăng đối thoại, kiến tạo phát triển bền vững
Những ngày đầu của trung tuần tháng 4, Chính phủ đã cho thấy những nỗ lực trong quyết tâm kiến tạo môi trường phát triển bền vững. Đó là cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nông dân. Tiếp đó là cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Hội đồng quốc gia về Nâng cao năng lực cạnh tranh và Phát triển bền vững.

Đau đáu câu hỏi về người nông dân

Sáng 9-4, tại Hải Dương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị đối thoại với nông dân có chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”. Đã có khoảng hơn 1.000 câu hỏi của nông dân và nhân dân cả nước được gửi đến người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ngành xoay quanh bốn nhóm vấn đề lớn là phát triển thị trường nông sản; vốn và đất đai; công nghiệp và đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. 

Đau đáu nhất là câu hỏi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra, cần làm rõ vì sao 70% người dân sống ở nông thôn, hơn 43% lao động ở khu vực này, nhưng đóng góp cho GDP chỉ 16-17%. Nghịch lý tồn tại bấy lâu nay sẽ không thể tháo gỡ được khi mà nông nghiệp Việt Nam vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Nông nghiệp lập kỳ tích về xuất khẩu, có sự đóng góp công sức của 11 triệu hộ nông dân với 24 triệu lao động trực tiếp trên cả nước, nhưng ngược lại trên rất nhiều cánh đồng, người nông dân đang khốn khổ chờ được giải cứu! Vậy nên, một cuộc đối thoại giữa Chính phủ và người nông dân trước hết mang một ý nghĩa biểu tượng cho cam kết xây dựng Chính phủ kiến tạo, cho những nỗ lực phát triển bền vững.

Tại cuộc làm việc với VBCSD, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo cần sớm hình thành mạng lưới doanh nghiệp phát triển bền vững.


Thủ tướng đã hỏi, các bộ, ngành hãy trả lời! Một đất nước đi lên từ văn minh nông nghiệp, một đất nước luôn lấy điểm tựa nông nghiệp để vượt qua những giai đoạn chịu tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực và thế giới, không thể để kéo dài hơn nữa tình trạng bị động trong sản xuất, thiếu gắn kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị. Chúng ta có lợi thế để tạo dựng một nền kinh tế dựa vào nông nghiệp có chiều sâu, nhưng nếu không gấp rút chuyển đổi nâng cao giá trị của sản xuất nông nghiệp trong tỷ trọng của nền kinh tế thì những ưu đãi về thổ nhưỡng, hay vốn quý về kinh nghiệm và sự hay lam hay làm của người nông dân rồi cũng sẽ bị bào mòn, rồi cạn kiệt.

Cuộc đối thoại mang tính chất khơi gợi, tin rằng, một khi đã lắng nghe, bộ máy của Chính phủ sẽ chuyển động đồng tốc với cam kết kiến tạo của người đứng đầu, để từ đó nông nghiệp và nông thôn sẽ có một sức bật mới, người nông dân sẽ có được “miếng bánh xứng đáng” cho mình.

Hội nghị toàn quốc đầu tiên về phát triển bền vững

Trong cuộc làm việc với Ban điều hành của Hội đồng quốc gia về Nâng cao năng lực cạnh tranh và Phát triển bền vững (VBCSD-VCCI) vào ngày 10-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo, trong năm 2018, Hội đồng sẽ phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) để tổ chức Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững lần thứ nhất. Dự kiến được tổ chức vào tháng 7,

hội nghị sẽ quy tụ đại diện lãnh đạo của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các tổ chức trong nước, quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp để cùng đối thoại, đưa ra những sáng kiến, những kiến nghị về chính sách để sớm hiện thực hóa Chiến lược phát triển bền vững của quốc gia nói chung cũng như thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp theo đuổi chiến lược tăng trưởng xanh.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI cho biết, năm 2018 được xác định là năm trọng tâm của những sáng kiến mới vì sự phát triển bền vững (PTBV) trên cơ sở hợp tác công tư như Chương trình Thúc đẩy thực hiện nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; Chương trình thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững hợp tác với Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) thuộc Liên hợp quốc; Chương trình tăng cường năng lực doanh nghiệp trong thời đại cách mạng kỹ thuật số… Đặc biệt, Hội đồng sẽ phối hợp với Bộ KH&ĐT xây dựng Báo cáo rà soát sâu các mục tiêu PTBV.

Kinh tế thế giới đang hướng đến kinh tế tuần hoàn tăng trưởng xanh, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng về việc làm sao có nhiều hơn nữa DN thực hiện PTBV, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, cần phải thay đổi cách thức triển khai, không thể chỉ trông vào 100 DN thành viên của VBCSD trong khi cả nước hiện có hơn 630.000 DN. Xét từ góc độ đó, những nỗ lực để hình thành mạng lưới DN PTBV là hết sức cần thiết. Đó cũng là lý do cho sự thay đổi quan trọng của chương trình đánh giá, công bố các DN bền vững Việt Nam (CSI) theo hướng làm sao thu hút mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia của nhiều DN, đặc biệt là lan tỏa đến các DN vừa và nhỏ, đặc biệt là quy mô siêu nhỏ. Chúng tôi sẽ làm việc với tổ chuyên gia để nghiên cứu và đặt ra một mức chuẩn về “doanh nghiệp bền vững” để CSI 2018 tiệm cận gần hơn với DN Việt Nam, ông Nguyễn Quang Vinh nói. 

Năm nay, VBCSD cũng sẽ không chỉ lựa chọn 100 DN bền vững như mọi năm. Các DN đạt mức chuẩn trên đều được ghi nhận là “DN bền vững”. Đây chính là cách khuyến khích cộng đồng DN thực hiện PTBV để họ hiểu rằng, không lọt tốp 100 không có nghĩa là DN đứng ngoài “cuộc chơi” mang tính tất yếu trên toàn cầu. 

Phát biểu khép lại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng đặt ra yêu cầu, hiện nay có khoảng hơn 40% lao động làm việc ở khu vực nông nghiệp, do đó, chúng ta cần có giải pháp để giảm tỷ lệ này về gần mức 5-10% như các nước phát triển. Muốn vậy, cần tăng tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh để có thêm nhiều DN đầu tư cho sản xuất một cách bền vững, để có thêm nhiều người dân được thụ hưởng thành quả. Đây là trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, nhưng tiếng nói của cộng đồng DN cũng rất quan trọng. Chúng ta cần có nhiều cuộc đối thoại thường xuyên, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng để tạo chuyển biến tích cực, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Một Chính phủ kiến tạo cần biết lắng nghe và cũng cần chuyển biến quyết tâm kiến tạo một cách thông suốt từ cấp cao nhất cho đến cơ sở, xuống đến từng công chức. Làm sao để những cuộc đối thoại, những hội nghị bàn thảo mang tính thực chất và tạo nên hiệu quả điều hành của bộ máy quản lý là đòi hỏi đặt ra và cũng là mong mỏi của xã hội.

Nguồn: Báo Nhân dân