Tăng sức mạnh của kinh tế hợp tác

Với hơn 6,4 triệu thành viên, khu vực kinh tế hợp tác (KTHT), trong đó nòng cốt là hợp tác xã (HTX), đang thu hút ngày càng nhiều hơn người lao động tham gia. Phát triển KTHT, HTX trở thành nhu cầu cần thiết của hộ cá thể, xu hướng ở các địa phương, là phương thức tổ chức sản xuất của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu lại nền kinh tế.

Thời gian qua, KTHT, HTX đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng hoạt động; doanh thu, lợi nhuận tăng theo từng năm, mang lại lợi ích cho các thành viên. Cụ thể, theo Liên minh HTX Việt Nam, đến cuối năm 2017, cả nước có 19.487 HTX đang hoạt động (tăng 10% so năm 2016), trong đó, có 2.226 HTX thành lập mới, tăng 46,5% so với năm 2016. 90% số HTX đã đăng ký hoạt động theo Luật HTX, 38% tổng số HTX làm ăn có hiệu quả (tăng 8% so năm 2016).

Đáng chú ý, nhiều địa phương tập trung xử lý giải thể HTX kiểu cũ đã ngừng hoạt động, giải tỏa tâm lý mặc cảm với mô hình HTX kiểu cũ, tạo điều kiện cho thành lập mới các HTX chuyên ngành. Theo đó, năm 2017, đã có 785 HTX giải thể do làm ăn không hiệu quả, ngừng hoạt động. Số lượng HTX nông nghiệp thành lập mới trong năm 2017 tăng 51% so năm 2016. Sự hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh giữa các thành phần kinh tế được đẩy mạnh, xuất hiện nhiều mô hình HTX sản xuất gắn chuỗi giá trị, mô hình tập đoàn HTX để huy động các nguồn lực phát triển từ thị trường, mô hình HTX tổ chức theo địa bàn huyện ở vùng khó khăn…

Việc phát triển KTHT, HTX không chỉ làm tăng hiệu quả kinh tế, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng GDP, mà quan trọng hơn là góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng cao phúc lợi, thu nhập cho người nông dân, các thành viên HTX, từ đó góp phần cơ cấu lại nông nghiệp, tác động đáng kể đến kinh tế - xã hội, an ninh trật tự vùng nông thôn. Tuy nhiên, có một thực tế là KTHT, HTX vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài. Dù đã đạt được nhiều kết quả, việc phát triển khu vực kinh tế tập thể vẫn còn chưa thực sự tương xứng so với tiềm năng và yêu cầu. Những khó khăn nội tại của HTX kéo dài, chậm được khắc phục; năng lực tài chính yếu, khả năng cạnh tranh thấp, còn nhiều HTX lúng túng trong hoạt động, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; năng lực quản lý còn nhiều bất cập.

Sự phát triển KTHT, HTX có vai trò nòng cốt và rất quan trọng của Liên minh HTX Việt Nam. Thế nhưng, nhìn nhận một cách thẳng thắn, đến nay, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam chưa làm tốt chức năng đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên; chưa phát huy lợi thế liên kết hệ thống; chưa thu hút được hầu hết số HTX trên địa bàn vào Liên minh HTX. Thực tế này đòi hỏi, Liên minh HTX Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, nỗ lực, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động. Trước mắt, cần tập trung làm rõ chức năng đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên; kiện toàn Quỹ hỗ trợ HTX từ Trung ương đến địa phương, bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương, xây dựng mô hình thí điểm và tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong HTX được vay vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Ngoài ra, để khu vực KTHT, nòng cốt là HTX phát triển, cần tiếp tục có những chỉnh sửa, bổ sung về cơ chế chính sách phù hợp tình hình mới. Đơn cử, theo Liên minh HTX Việt Nam, cần sửa đổi một số quy định của Luật HTX năm 2012 do chưa phù hợp nhu cầu phát triển KTHT, HTX; rà soát, sửa đổi và ban hành các chính sách hỗ trợ KTHT, HTX theo quy định tại Điều 6 của Luật HTX năm 2012, trước mắt là vấn đề đào tạo, vay vốn, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai, hỗ trợ công nghệ, xúc tiến thương mại, bảo hiểm; sửa đổi Thông tư số 03/2014/TT-NHNN và Thông tư số 04/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên quan hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân về vấn đề giảm phí trích nộp quỹ bảo toàn; mức vốn góp xác lập thành viên; mức vốn góp thường niên...

 

HỒNG ANH/ Nhân dân