Tạo bệ phóng tốt để nông dân vươn lên làm giàu
- Thứ ba - 31/01/2017 04:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thưa Chủ tịch, trong năm 2016, cá nhân ông với cương vị là Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN, đại biểu Quốc hội đã làm việc với nhiều ban, bộ, ngành T.Ư, các địa phương; tiếp xúc với cán bộ, hội viên, nông dân nhiều nơi. Những chuyến đi cơ sở tiếp xúc với dân như vậy đã mang lại cảm nhận gì?
- Đó là đời sống của đại bộ phận người dân, trong đó phần nhiều là nông dân tiếp tục được cải thiện. Lĩnh vực nông nghiệp mặc dù có nhiều khó khăn nhưng sản xuất vẫn ổn định; xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Trong năm 2016, sản xuất nông nghiệp chịu nhiều bất lợi do biến đổi khí hậu. Đó là đợt rét đậm, rét hại, băng tuyết, mưa đá ở miền Bắc; hạn hán khốc liệt ở miền Trung-Tây Nguyên; hạn mặn kéo dài kỷ lục ở đồng bằng sông Cửu Long; sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung. Gần đây nhất là các tỉnh duyên hải miền Trung phải gánh chịu mưa lũ liên tiếp… Mặc dù khó khăn chồng chất, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay, đồng lòng ủng hộ, hỗ trợ của nhân dân cả nước, người dân, nhất là nông dân ở những địa phương trên đã kiên cường, sáng tạo ứng phó nhanh, khắc phục hậu quả, tích cực sản xuất, ổn định đời sống…
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn tiếp xúc cử tri Bạc Liêu. Ảnh: Văn Công
Bên cạnh những điểm tích cực, đáng phấn khởi nêu trên, bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn những điểm mờ, chưa bật lên được những điểm sáng. Đó là phát triển nông nghiệp còn kém bền vững; chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất của nhiều loại nông sản còn thấp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất phát triển chậm, hiệu quả chưa ổn định…Điều lo lắng nhất là nông dân các vùng thiên tai, bão lũ, sự cố ô nhiễm môi trường vừa qua dù cơ bản đã ổn định tư tưởng, nhưng lâu dài để đảm bảo sinh kế bền vững vẫn rất khó khăn. Nếu không có giải pháp hiệu quả, tình trạng tái nghèo, thậm chí đói giáp hạt tại các địa phương sẽ xảy ra, dẫn đến tình hình nông thôn sẽ ngày càng phức tạp…
"Chúng ta cần học tập Nhật Bản, vẫn để nông dân sử dụng đất đai nhưng là dưới hình thức tham gia vào các Tổ hợp tác, Tổ liên kết, Hợp tác xã kiểu mới, thậm chí góp đất vào hình thành vốn đầu tư của doanh nghiệp. Trên các mô hình kinh tế tập thể đó, chúng ta triển khai hướng dẫn, hỗ trợ nông dân nâng cao tay nghề, kỹ năng, kỹ thuật và tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị." Chủ tịch T.Ư Hội NDVN |
Những điều Chủ tịch vừa nêu phần lớn nói về những nguyên nhân khách quan tác động bất lợi tới sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân, tiến độ xây dựng nông thôn mới. Vậy những nguyên nhân chủ quan ở đây là gì, thưa Chủ tịch?
- Đúng vậy, lĩnh vực nông nghiệp năm 2016 tăng trưởng chậm lại, thậm chí 6 tháng đầu năm còn tăng trưởng âm. Bên cạnh nguyên nhân khách quan thì có nguyên nhân chủ quan. Đó là việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp diễn ra chậm, nhiều địa phương còn lúng túng chưa biết bắt đầu điểm xuất phát từ đâu; không ít nông dân- chủ thể của phát triển nông nghiệp còn chưa hiểu, thậm chí chưa nghe về nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp…
Nhìn ra, nông sản của chúng ta phần lớn vẫn chỉ là xuất khẩu thô, sản lượng xuất khẩu lớn vẫn tập trung vào các thị trường dễ tính và không chính ngạch như Trung Quốc... Điều này đã cản trở, không tạo nên áp lực buộc phải đầu tư, áp dụng KHKT, công nghệ, tổ chức lại sản xuất, nâng cao tay nghề, kỹ năng người lao động. Thêm vào đó, theo tôi, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng thấp trong năm qua còn do đầu tư cho nông nghiệp chưa tương xứng; trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, việc quản lý, phân bổ nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn còn dàn trải, thiếu tập trung; việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa có quyết sách đột phá…
Trong xây dựng nông thôn mới đã bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém như tình trạng không ít địa phương chạy theo thành tích khiến dân “gồng mình, kiệt sức” bởi các khoản đóng góp; chỉ chú trọng vào các tiêu chí cứng, có nơi dành 95% kinh phí để xây dựng kết cấu hạ tầng như làm đường, xây trụ sở, nhà văn hóa, chợ mà chưa có giải pháp, nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân…Nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới lên tới gần 16 ngàn tỷ đồng chủ yếu vẫn là nợ từ các khoản đầu tư thực hiện các tiêu chí cứng. Đấy là chưa nói, tại một số địa phương xuất hiện việc cán bộ lạm dụng, tham nhũng trong xây dựng nông thôn mới khiến nông dân bức xúc…
Những vấn đề Chủ tịch vừa nêu là sự thật không mấy tích cực. Nhưng bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2016 vẫn có nhiều điểm sáng, phấn khởi?
- Đúng vậy. Mặc dù bị tác động bởi những yếu tố khách quan và những yếu kém mang tính nội tại, nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm qua vẫn có những gam màu sáng. Đó là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu rau, củ, quả của Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng, vượt cả xuất khẩu lúa gạo, ước đạt hơn 2,5 tỷ USD. Đó là số liệu thống kê, chứ bản thân tôi cảm nhận rất rõ điều này khi tới thăm, nắm bắt tình hình nông dân ở vùng trồng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang); rau, củ, quả thực phẩm ở Hải Dương; vùng chuối ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên); vùng trồng cây ăn quả nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Qua trao đổi với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương họ đều khẳng định sẽ tập trung đầu tư, phát triển lĩnh vực này theo hướng bền vững. Tôi cho đây là một hướng đi rất đúng. Ở Tiền Giang, cấp ủy, chính quyền tổ chức, hỗ trợ nông dân kết hợp trồng cây ăn quả với phát triển mô hình du lịch sinh thái, ẩm thực, văn hóa. Nhờ vậy, thu nhập của nông dân ở những nơi này tăng và có tính bền vững - Đó cũng là tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới mà các địa phương cần tham khảo, nhận thức lại…Bên cạnh trái cây thì những kết quả rất tích cực của lĩnh vực thủy sản, nhất là ngành nuôi cá tra, tôm nước lợ cũng góp phần làm bức tranh nông nghiệp có thêm gam màu tươi sáng…
Nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam nhanh thích ứng. Nông nghiệp còn nhiều dư địa để tăng trưởng cao hơn. Vấn đề là phải có môi trường chính sách tốt để doanh nghiệp, nông dân làm giàu?
- Tôi rất đồng tình với ý kiến này. Khó khăn như vậy, nhưng không ít tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là ngành, hàng có thế mạnh như cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản, thực phẩm chế biến… Kể cả khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không hiện thực được vì một lý do nào đó thì xu thế dự báo sẽ có một làn sóng đầu tư từ Nhật Bản và một số quốc gia khác vào nông nghiệp Việt Nam là không thay đổi. Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam thì chúng ta sẽ đón được vốn, tranh thủ được công nghệ về giống, nuôi trồng, chế biến và phát triển thị trường; hình thành nên một lớp lao động nông nghiệp có kỹ năng, tay nghề và kỷ luật cao… Ngoài ra, chúng ta sớm có chính sách đột phá và một trong những chính sách cần phải đổi mới là chính sách về đất đai, tích tụ ruộng đất…
"Nông sản của chúng ta phần lớn vẫn chỉ là xuất khẩu thô, sản lượng xuất khẩu lớn vẫn tập trung vào các thị trường dễ tính và không chính ngạch như Trung Quốc... Điều này đã cản trở, không tạo nên áp lực buộc phải đầu tư, áp dụng KHKT, công nghệ, tổ chức lại sản xuất, nâng cao tay nghề, kỹ năng người lao động”. Chủ tịch T.Ư Hội NDVN |
Thưa Chủ tịch, không ít ý kiến lại cho rằng, kể các khi chính sách đất đai đã thông thoáng thì nông nghiệp vẫn khó phát triển đột phá, bởi vướng đặc điểm “đất chật, nông dân đông” của nông thôn Việt Nam?
- Lo lắng, băn khoăn này là có cơ sở bởi tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã kéo dài; tỷ lệ dân số sinh sống ở nông thôn và tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn cao (lần lượt là 76% và 56%). Tâm lý “giữ” đất dù không còn sản xuất nông nghiệp vẫn phổ biến. Nhưng điều này vẫn có thể thay đổi được. Ví dụ rõ nhất là Nhật Bản. Chúng ta cần học tập Nhật Bản, vẫn để nông dân sử dụng đất đai nhưng là dưới hình thức tham gia vào các Tổ hợp tác, Tổ liên kết, Hợp tác xã kiểu mới, thậm chí góp đất vào hình thành vốn đầu tư của doanh nghiệp. Điển hình nhất ở trong nước vừa qua là Tập đoàn Vingroup đầu tư cho mỗi hộ nông dân đối tác 300 triệu đồng để sản xuất nông sản sạch. Tôi tài trợ tiền đầu tư cho anh nhưng anh phải sản xuất đúng quy chuẩn, quy trình tôi đưa ra, làm ra đúng sản phẩm có mẫu mã, kích cỡ, quy cách như tôi yêu cầu.
Mở rộng hơn, điểm qua các mặt hàng xuất khẩu giá trị cao của nông sản Việt Nam trong những năm qua, nhất là năm 2016 thì điều này thể hiện rất rõ. Việc tư vấn, tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân hình thành các mô hình kinh tế tập thể tự nguyện cũng là một trong những nội dung hoạt động và là trách nhiệm của Hội NDVN trong những năm qua và những năm sắp tới…
Vậy trong những năm sắp tới, Hội NDVN có phương châm, chương trình, hành động nào để tham gia thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới như Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã đề ra, thưa Chủ tịch?
- Để tham gia hiện 6 nhóm giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn như Văn kiện Đại hội XII của Đảng đề ra, trong những năm tới, Hội NDVN tập trung vào thực hiện nhiều chương trình, hành động xoay quanh 3 trụ cột chính. Thứ nhất là tập trung các nguồn lực để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn tiên tiến, quy mô lớn, dần hình thành các mô hình sản xuất liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ 2 là tập trung các hoạt động tư vấn cho nông dân kiến thức về khoa học kỹ thuật, về thị trường và pháp luật trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; tổ chức các hoạt động dịch vụ cho nông dân về vật tư đầu vào, máy nông cụ và vốn; hỗ trợ nông dân về tiêu thụ nông sản phẩm xây dựng thương hiệu và dạy nghề, tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân. Thứ 3 là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân.
Các cấp Hội ND phải nâng cao được năng lực tham mưu, năng lực tham gia phản biện, giám sát trong quá trình xây dựng, thực hiện các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Góp ý hiệu quả trong xây dựng Luật, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn tốt cũng chính là bảo vệ nông dân tốt.
Xin cảm ơn Chủ tịch!