Tạo hành lang pháp lý hỗ trợ tổ hợp tác
- Thứ bảy - 05/08/2017 05:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phó Cục trưởng Kinh tế Hợp tác xã và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh cho biết: Hiện cả nước có khoảng 136 nghìn THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó có 3.600 tổ, đội thủy sản đánh bắt xa bờ, hơn 7.740 tổ thủy lợi, và hơn 100 nghìn THT trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp.
Những năm qua, kinh tế THT đã đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới; tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho lao động khu vực nông thôn. Các thành viên THT giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, đời sống; trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, khai thác thủy sản, và tiêu thụ sản phẩm,...
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thị Hương Hải, hiện nay, hoạt động các THT còn mang tính nhỏ lẻ; kết quả sản xuất, kinh doanh thấp, tích lũy vốn để đầu tư phát triển kinh doanh không cao, mức độ đóng góp của các THT còn rất hạn chế. Cơ sở vật chất và vốn đóng góp không đủ, không huy động được vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh; các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các THT với các thành phần kinh tế khác còn nhiều khó khăn nên chưa khai thác được thế mạnh về nguyên liệu, vốn, thị trường để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đây là những nguyên nhân khiến hoạt động của THT ở các địa phương chưa hiệu quả. Hầu hết các THT đang gặp khó khăn về nhà xưởng, nguồn vốn, trụ sở làm việc; hạn chế về năng lực quản lý của tổ trưởng, ban điều hành... Nhiều THT nông nghiệp hoạt động không thường xuyên, mang tính mùa vụ, tự phát, thiếu hướng dẫn, tư vấn của chính quyền cơ sở.
Vì vậy, cần tạo khung pháp lý rõ ràng minh bạch giúp các THT thành lập, hoạt động và phát triển một cách thuận lợi, cũng như bảo đảm quyền, nghĩa vụ của THT, thành viên THT, các bên tham gia vào hoạt động dân sự THT. Điều này sẽ giúp các THT khẳng định được vị thế, uy tín đối với các thành viên hợp tác, các đối tác và giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm được tình hình phát triển và quản lý, hỗ trợ được hoạt động của THT.
Theo bà Nguyễn Thị Hương Hải, trước hết cần phát huy vai trò trách nhiệm của tổ chức Hội Nông dân trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là các THT, HTX; vận động nông dân tích cực tham gia vào các hình thức kinh tế tập thể; giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, THT; có chính sách ưu đãi về vốn, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, các hình thức hỗ trợ...
Hội Nông dân các cấp cần tăng cường thực hiện tư vấn, hướng dẫn nông dân thành lập các loại hình kinh tế tập thể, THT, HTX, về trình tự, thủ tục để thành lập các THT; vận động hội viên nông dân tham gia các hình thức từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn, từ giản đơn đến các hình thức cao hơn, hoạt động đa ngành, đa nghề phù hợp điều kiện thực tế ở địa phương và xu thế phát triển xã hội; tổ chức và phối hợp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, hội viên đặc biệt là cán bộ hội ở cơ sở, nâng cao kiến thức về xây dựng các mô hình kinh tế; kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ, kinh doanh, ma-két-tinh trực tiếp để các THT, HTX có điều kiện tốt hơn trong khởi nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy THT, HTX, đưa các chính sách đi vào cuộc sống. Có như vậy hoạt động của các THT mới thật sự bền vững, góp phần tạo nền tảng cho phát triển nông thôn mới.