Thách thức lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017
- Thứ bảy - 01/07/2017 09:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sau hàng loạt chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II đã có sự bứt phá mạnh mẽ, đạt 6,17%. Tính chung trong 6 tháng qua, GDP ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng doanh nghiệp mới được thành lập tăng mạnh, lạm phát được kiểm soát tốt...
Dù đạt được những kết quả tích cực, song nhiều chỉ tiêu tăng trưởng của các lĩnh vực đang ở mức thấp. Để hoàn thành mục tiêu 6,7% năm 2017, tăng trưởng những tháng cuối năm đòi hỏi nỗ lực rất lớn.
Tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa thể bù đắp được cho phần thiếu hụt do giảm sút tăng trưởng của ngành khai khoáng. (Ảnh minh họa: KT) |
Về kim ngạch xuất nhập khẩu, tính chung trong 6 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 97,8 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Về nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 6 tháng qua tính đạt 100,5 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng qua tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục lập kỷ lục, với trên 61 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới; tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung hơn 1,45 triệu tỷ đồng, cho thấy môi trường kinh doanh được cải thiện.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, điểm nổi bật nhất trong 6 tháng đầu năm nay là nền kinh tế đã có sự phục hồi, đặc biệt là khởi sắc trong quý II, thể hiện qua các chỉ tiêu tăng trưởng, chỉ tiêu giá trị tăng thêm hay GDP của từng khu vực đều tốt hơn so với quý I.
“Trong 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp đã khắc phục được những tồn tại của năm trước, công nghiệp chế biến chế tạo cũng có đà khởi sắc, ngành xây dựng cũng tăng trưởng cao và đặc biệt là khu vực dịch vụ năm nay là một trong nhiều năm có 6 tháng đầu năm tăng trưởng cao. Sự khởi sắc này là kết quả của sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế cho nên đạt được kết quả rất khả quan”, ông Lâm nói.
Bên cạnh những kết quả tích cực, kinh tế 6 tháng qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập khi mà tăng trưởng cách xa so với mục tiêu đề ra cho cả năm, thể hiện qua Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 5 đã giảm xuống 51,6 điểm từ 54,1 điểm của tháng trước, thấp nhất trong 14 tháng trở lại đây.
Không chỉ vậy, tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng ở mức thấp, chưa thể bù đắp được cho phần thiếu hụt do giảm sút tăng trưởng của ngành khai khoáng; du lịch tuy tăng trưởng tốt về số lượng nhưng còn gặp một số vấn đề về các tour du lịch giá rẻ, du lịch khép kín; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đăng ký doanh nghiệp tăng mạnh nhưng vốn giải ngân chưa tương xứng.
Ông Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm dự báo kinh tế - xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận xét, nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào công nghiệp trong khi công nghiệp lại dựa nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân mặc dù số lượng nhiều nhưng quy mô nhỏ nên đóng góp vào GDP thấp.
“Khi chúng ta dựa ít hơn vào tài nguyên thiên nhiên thì hiệu quả của nền kinh tế sẽ bù đắp được sự sụt giảm, nhưng kết quả vừa qua cho thấy sự thay đổi về chất của nền kinh tế dường như chưa được như kỳ vọng”, ông Anh đánh giá.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm phải đạt trên 7,4%. Trong lịch sử số liệu chưa có 6 tháng cuối năm nào Việt Nam có mức tăng cao như vậy, vì thế để đạt được kết quả này rất khó khăn.
Nhận định về tình hình kinh tế các tháng còn lại của năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ có nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi. Trong nước, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động của chúng ta vẫn còn thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất. Bên cạnh đó, dự báo kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn và có thể tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.
Để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay và mục tiêu tăng trưởng bình quân đạt 6,5% trong giai đoạn 2016-2020, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, động lực lớn chính là phải giữ được một cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, giảm chi phí cho doanh nghiệp trong nước.
“Việt Nam đang mất thời gian trong việc điều chỉnh các văn bản pháp luật để đưa vào đời sống. Nếu kiên định làm điều này sẽ tạo được môi trường kinh doanh tốt hơn, các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh thuận lợi hơn và chi phí giảm xuống để họ có cơ hội về lợi nhuận nhiều hơn sẽ tạo ra động lực. Động lực đó không phải chỉ cho năm 2017 mà còn là động lực lâu dài của Việt Nam trong tương lai cũng như trong quá trình hội nhập”, TS. TS. Nguyễn Đức Thành chỉ rõ.
Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, không nên quá chú trọng đến con số tăng trưởng mà nên quan tâm nhiều hơn tới chất lượng tăng trưởng và đổi mới mô hình tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng cao chỉ thực sự có ý nghĩa khi dựa trên nâng cao chất lượng tăng trưởng và dựa vào các yếu tố thể chế, quản trị, khoa học công nghệ.
Để làm được điều này thì cần tái cơ cấu nền kinh tế, cùng với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế./.