Thái Bình: Làm giàu nhờ trồng sen

Thái Bình: Làm giàu nhờ trồng sen
Với sự nhiệt huyết, cần mẫn, sáng tạo, bà Nguyễn Thị Thủy, khuyến nông viên cơ sở xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã tiên phong trên con đường làm giàu chính đáng bằng tài năng, bản lĩnh của mình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Vốn là vùng đất trồng lúa kém hiệu quả, lại gần đường quốc lộ nên chuột gây hại làm giảm năng suất đáng kể; chính quyền địa phương đã nhiều lần khuyến khích, hỗ trợ người dân cải tạo đất để làm nông nghiệp nhưng ai cũng lắc đầu ngao ngán, không dám làm. Với bà Thủy thì khác, bà nhận thấy đây chính là đáp án của bài toán khó để giúp gia đình mình thoát nghèo. Bắt đầu từ cuối năm 2014 bà đã lên xã xin thuê 02 ha đất trong 10 năm để trồng sen.

Bắt tay vào làm mới thấy gian nan, cỏ dại bịt dày và nước sâu tận ngực. Không nản chí, bà kêu gọi cả gia đình và người thân giúp phát quang cỏ dại. Ngoài số tiền tiết kiệm ít ỏi của gia đình mình, bà còn vay thêm từ bà con họ hàng để thuê máy múc san lấp, be bờ giữ nước và mua giống sen cao sản từ Đồng Tháp ra trồng. “Nói thật là mới đầu làm bao nhiêu cái khó ập đến nhưng cả 2 vợ chồng đều quyết tâm phải làm cho được. Cả quá trình vừa cải tạo đất vừa trồng sen cũng phải mất gần 3 năm chứ không ít” – bà Thủy ngồi giữa đồng sen thơm ngát nhớ lại.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng sen, bà Thủy cho biết: “Sen là cây rất dễ trồng, không mất nhiều công và chi phí chăm sóc, tỷ lệ hao hụt lại thấp; chỉ cần mực nước ruộng luôn để khoảng 25 - 30 cm, khi cây lớn sẽ dẫn thêm nước, thường xuyên cắt tỉa lá khô, lá già để sen quang hợp tốt hơn. Sen là loài mọc dưới nước, có sức chống chịu cao, ít sâu bệnh. Trồng sen lại không tốn nhiều chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc cỏ dại... như trồng các loại cây khác”.

 

Sen là cây rất dễ trồng, không mất nhiều công và chi phí chăm sóc

 

Năm 2018, vào mùa sen, bình quân mỗi ngày bà Thủy thu hoạch từ 45 - 50 kg hạt sen, cứ cách ngày lại thu một lần để sen vừa chín, chất lượng hạt cao. Với giá bán 50.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, riêng thu nhập từ hạt sen đã cho lãi khoảng 80 - 90 triệu đồng.

Ngoài thu nhập từ việc bán hạt sen, đầm sen của bà Thủy còn thu hoạch hoa bán cho người tiêu dùng cắm chơi, ướp trà; bán lá làm trà sen; ngó sen và củ sen để chế biến các món ăn… Đồng thời vào mỗi vụ sen nở rộ, đầm sen đã tạo nên bức tranh đồng quê thơm ngát, chỉ khoảng 3 tháng hè nhưng bà Thủy đón rất nhiều đoàn khách tới tham quan, mỗi đoàn bà chỉ thu 20.000 đồng tiền vé. Đây không chỉ là nơi giúp giới trẻ lưu lại những khoảnh khắc tuổi thanh xuân mà còn là nơi lưu lại những phút giây đoàn viên của mỗi gia đình, phút giây hội ngộ của các thế hệ.… Có lẽ đây là ý tưởng rất táo bạo, đầy mới mẻ nhưng hoàn toàn phù hợp với xu thế thời hiện đại.

Những năm gần đây, sen đã trở thành cây hàng hóa đặc biệt, được nhiều người ưa chuộng. Việc trồng sen đã mở ra một hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế, đẩy mạnh khai khác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Với hiệu quả mang lại, sen không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo mà còn góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Nguyễn Duy Nghĩa

TT Khuyến nông Thái Bình
http://www.khuyennongvn.gov.vn