Thái Hòa trồng 20ha ớt xuất khẩu trên đất cát pha
- Thứ năm - 23/11/2017 02:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đây là dự án do HTX nông nghiệp xã phối hợp cùng doanh nghiệp triển khai cho gần 500 hộ thuộc 12 xóm trên địa bàn xã Nghĩa Thuận.
Nông dân xã Nghĩa Thuận (TX. Thái Hòa) ra giống ớt để đưa về trồng. Ảnh: Quang Huy. |
Theo dự án, các hộ trồng ớt cay được HTX Nông nghiệp xã Nghĩa Thuận hỗ trợ 25 kg lân/sào. Về phía công ty cho vay cây giống và phân bón theo hình thức trả chậm. Những ngày này, bà con nông dân ở Nghĩa Thuận đang tập trung xuống giống, gieo trồng khép kín 20 ha ớt.
Nông dân xã Nghĩa Thuận, TX Thái Hòa nhận giống ớt cay về trồng. Ảnh: Quang Huy. |
Cây ớt cay thời gian sinh trưởng kéo dài 6 tháng; nếu trồng và chăm sóc tốt sau 60 ngày sẽ cho thu hoạch; năng suất đạt từ 35 - 40 tấn/ha. Hiện ớt đang được thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc ưu chuộng; đây chính là yếu tố để người dân có thể yên tâm đầu tư sản xuất.
Ông Cao Xuân Phúc ở xóm 6 cho biết: "Gia đình tôi nhận 1.400 cây ớt giống để về trồng trên 1 sào đất. Điều chúng tôi mong muốn trong quá trình trồng có cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, khi thu hoạch được thu mua sản phẩm đều đặn yên tâm đầu tư các vụ tiếp theo".
Toàn bộ diện tích trồng ớt sẽ được nông dân phủ bằng ni lông để giữ độ ẩm cho cây. Ảnh: Quang Huy. |
Ngoài được doanh nghiệp hỗ trợ cho vay cây giống, phân bón, khi tham gia dự án, các hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như cách thức thu hoạch đạt hiệu quả. Đặc biệt doanh nghiệp sẽ thu mua toàn bộ ớt với giá thấp nhất 5.000 đồng/kg.
Cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn bà con cách trồng và chăm sóc cây. Ảnh: Quang Huy. |
Đến thời điểm này 10/20 ha ớt đã được trồng tại đồng đất xã Nghĩa Thuận. Số diện tích còn lại sẽ được khép kín trong vài ngày tới. Đây là địa phương đầu tiên ở Thái Hòa đưa giống ớt vào trồng trên đất cát pha.
Nếu thắng lợi nó sẽ mở ra hướng phát triển mới cho người nông dân các xã, phường khác; là căn cứ để thị xã tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo mối liên kết giữa ngành nông nghiệp, doanh nghiệp và người nông dân trong sản xuất.