Thái Nguyên: Ngành nông nghiệp nỗ lực vượt khó, tạo sức bật mới
- Thứ năm - 13/02/2020 02:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo đó, nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một trong những định hướng và chính sách quan trọng để phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh trong năm 2019 và giai đoạn 2020-2025.
Việc tích cực ứng dụng KH&CN vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất các sản phẩm nông nghiệp Thái Nguyên.
Các chỉ tiêu nhiệm vụ của ngành đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Cụ thể như: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2019 ước đạt 13.545 tỷ đồng, tăng 4% so cùng kỳ; nông nghiệp ước đạt 12.574 tỷ đồng tăng 3,4%; lâm nghiệp đạt 510 tỷ đồng, tăng 9,5% ; thuỷ sản là 461 tỷ đồng, tăng 15,4%.
Về cơ cấu sản xuất trồng trọt tiếp tục chuyển dịch với cơ cấu mùa vụ, sản phẩm chuyển mạnh theo hướng tăng trưởng trong các ngành hàng, sản phẩm lợi thế, như: Chè, lúa chất lượng cao, rau, quả… sản xuất theo hướng an toàn tiêu chuẩn VietGAP; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Năm 2019 đạt 870ha, giá trị sản xuất thu được trên 1ha đất trồng trọt đạt 100 triệu đồng, tăng 3,8 triệu đồng/ha so cùng kỳ.
Về sản xuất lương thực, tiếp tục mở rộng diện tích sử dụng các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa nhằm tăng giá trị sản phẩm, tăng năng suất sản lượng. Phát triển các vùng lúa đặc sản theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, chuyên canh, có thương hiệu sản phẩm với diện tích khoảng 2.720 ha; vùng sản xuất lúa tập trung quy mô lớn, sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng, cánh đồng sản xuất một giống, gieo cấy cùng thời vụ, áp dụng kỹ thuật thâm canh... với tổng diện tích 4.265 ha.
Trong lĩnh vực sản xuất chè, năm 2019, toàn tỉnh có 5.529 ha sản xuất chè an toàn, hữu cơ, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn. Tiếp tục mở rộng diện tích chè và trồng thay thế bằng các giống có chất lượng cho năng suất cao, đầu tư hệ thống tưới, đẩy mạnh thâm canh và sản xuất chè an toàn; hình thành vùng sản xuất chè tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, mẫu mã sản phẩm..
Bên cạnh đó, mở rộng một số vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, có giá trị kinh tế cao và cải tạo một số diện tích trồng cây ăn quả già cỗi, năng suất, giá trị thấp sang loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Năm 2019, dịch lở mồm long móng và dịch tả lợn Châu Phi đã khiến ngành chăn nuôi Thái Nguyên gặp nhiều khó khăn. Nhờ tập trung chỉ đạo quyết liệt, công tác phòng chống dịch nên đã hạn chế thấp nhất thiệt hại. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh chăn nuôi các loại vật nuôi khác để vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo nguồn thực phẩm cung ứng cho thị trường. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, các địa phương đã thực hiện tốt việc chi trả hỗ trợ cho các chủ nuôi theo quy định.
Về công tác phát triển rừng cũng thường xuyên được quan tâm chỉ đạo. Trong năm đã trồng được 5.396,7ha rừng, chủ yếu là rừng sản xuất với 4.990,9ha (chiếm 92,5%); rừng phòng hộ 405,8 ha. Đồng thời, ngành nông nghiệp Thái Nguyên đã triển khai thực hiện có hiệu quả các hình thức tuyên truyền, tập huấn về công tác quản lý bảo vệ rừng. Tăng cường thực hiện pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng phát huy hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Sở NN&PTNT kiểm tra tình hình dịch bệnh tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Triển khai thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức đánh giá, công nhận cho 25 sản phẩm OCOP. Các hoạt động nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nông sản tiếp tục được các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm, góp phần tích cực hỗ trợ tiêu thụ, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh.
Bằng những giải pháp thiết thực và hiệu quả, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thái Nguyên đã từng bước vượt qua khó khăn thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển với nhiều kết quả vượt trội.