Thanh Hóa: Khó khăn trong xây dựng xã an toàn thực phẩm

Thanh Hóa: Khó khăn trong xây dựng xã an toàn thực phẩm
Năm 2018 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 04).
Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của HTX Hùng Cường (xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc) mang lại hiệu quả cao. 

Để tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2018, Trưởng Ban Chỉ đạo về quản lý VSATTP tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra công tác ATTP trên địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách và tình hình xây dựng các mô hình thí điểm ATTP theo Kế hoạch số 135/KH-UBND.

Trong phạm vi trách nhiệm được giao, các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các quyết định, kế hoạch và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện xây dựng các mô hình thí điểm ATTP thuộc trách nhiệm quản lý của ngành; kế hoạch hành động bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018; hướng dẫn đánh giá các tiêu chí xã, phường, thị trấn ATTP. Sở Y tế đã ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức xây dựng bếp ăn tập thể; hướng dẫn rà soát, thống kê, cập nhật danh sách bếp ăn tập thể trên địa bàn; hướng dẫn triển khai, báo cáo tiến độ thực hiện việc công nhận bếp ăn tập thể bảo đảm ATTP. Sở Công Thương đã ban hành kế hoạch triển khai xây dựng mô hình chợ ATTP và cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn; hướng dẫn các đơn vị quản lý chợ tiếp tục hoàn thiện và duy trì có hiệu quả mô hình chợ ATTP... UBND xã, phường, thị trấn thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo về quản lý ATTP, ban nông nghiệp xã, tổ giám sát ATTP thôn/bản/khu phố, tổ giám sát ATTP tại chợ; triển khai xây dựng các mô hình thí điểm đảm bảo ATTP trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện đang triển khai xây dựng 291 xã, phường, thị trấn ATTP (đạt 95,4% so với chỉ tiêu được giao), trong đó có 32 xã, thị trấn thực hiện theo Kế hoạch số 135/KH-UBND. UBND các huyện, thị xã, thành phố đang tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng 32 mô hình thí điểm xã, thị trấn ATTP (gồm 23 xã và 9 thị trấn). Theo báo cáo tự đánh giá của UBND các huyện, thị xã, thành phố, tỷ lệ hoàn thành các nhóm tiêu chí ATTP tại các xã, thị trấn tham gia mô hình thí điểm trung bình đạt 5/8 nhóm tiêu chí (62,5%), dự kiến sẽ hoàn thành 8/8 nhóm tiêu chí vào cuối năm 2018 và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã, thị trấn ATTP.

Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có xã, phường, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí ATTP. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Văn phòng điều phối về VSATTP tỉnh đã tiếp nhận và thẩm định 9 hồ sơ đề nghị công nhận xã ATTP gồm xã Hoằng Giang, Hoằng Sơn, Hoằng Minh, Hoằng Trạch, Hoằng Tân (Hoằng Hóa); xã Đông Hưng, Quảng Phú, Hoằng Đại (TP Thanh Hóa); xã Các Sơn (Tĩnh Gia), kết quả thẩm định cả 9/9 hồ sơ chưa đạt yêu cầu, tổ thẩm định đã thông báo và đề nghị UBND các huyện, thành phố bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn.

Qua khảo sát thực tế, khó khăn trong thực hiện tiêu chí ATTP là do số lượng các cơ sở sản xuất, chế biến ở các xã nhiều, quy mô nhỏ lẻ nên việc kiểm soát truy xuất nguồn gốc  khó khăn. Đặc biệt, nhận thức về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn của người dân còn  hạn chế...

Tại xã Vạn Thắng (Nông Cống), một xã đã về đích nông thôn mới năm 2017 là điều kiện thuận lợi để tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng xã đạt tiêu chí ATTP. Hiện nay xã đã xây dựng được 1 mô hình phát triển vùng sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô với diện tích 3 ha, được áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, xã cũng đã xây dựng các mô hình thí điểm về ATTP. Tuy nhiên, theo ông Đồng Minh Quân, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng thì thực hiện tiêu chí ATTP gian nan vô cùng, bởi cái khó là xây dựng từ ý thức, tư duy của mỗi con người. Và để thay đổi thì phải có lộ trình chứ không phải chỉ trong ngày một ngày hai.

Còn ông Tào Quang Thiệu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc cho rằng: Để đạt tiêu chí ATTP, nhiều địa phương đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thậm chí là lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Bản thân các hộ, đơn vị tham gia các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn còn do dự, chưa thực sự muốn làm do phải chi phí cho việc lấy mẫu kiểm nghiệm và đề nghị xác nhận chuỗi, nhưng giá bán sản phẩm không có sự khác biệt so với các hộ không tham gia chuỗi. Bên cạnh đó, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện đa số là cơ sở nhỏ lẻ, manh mún, hoạt động di động, thời vụ nên khó kiểm soát, ảnh hưởng đến công tác quản lý ATTP. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ chuyên môn tham mưu về quản lý VSATTP mỏng, hầu hết là kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giao trong giai đoạn hiện nay. Ngay đến các tổ giám sát cộng đồng thôn chưa đạt hiệu quả cao trong xác nhận nguồn gốc xuất xứ vì họ còn phải làm quá nhiều việc, trong khi đó không có kinh phí hỗ trợ.

Tại TP Thanh Hóa - địa phương được giao 28/37 phường, xã đạt tiêu chí ATTP trong năm 2018. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp nhiều vướng mắc đó là tiêu chí số 26 về chợ ATTP. Theo quy định chỉ đánh giá với các xã có quy hoạch chợ ATTP trong khi đó tỉnh Thanh Hóa chưa ban hành quy hoạch chợ ATTP; tiêu chí 100% các sản phẩm kinh doanh tại chợ được xác nhận nguồn gốc. Tại tiêu chí số 22 về kiểm soát tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thì cấp huyện và cấp cơ sở không thể chủ động triển khai thực hiện mà phải có sự vào cuộc của Chi cục Thú y tỉnh.

Có quá nhiều vấn đề đang đặt ra trong xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP. Để được công nhận thì địa phương đó phải hoàn thành 8 nhóm với 30 tiêu chí. Nhiều địa phương trong tỉnh đang rất cần tỉnh có phương án hỗ trợ trong công tác đảm bảo ATTP, gồm hỗ trợ vật tư phục vụ kiểm tra nhanh; hỗ trợ cho công tác tổ giám sát cộng đồng phố, thôn; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các ban nông nghiệp và tổ đấu mối quản lý ATTP... Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu quả, hiệu lực các đoàn liên ngành, tổ giám sát trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP ở địa phương. Và hơn hết cần chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân để thực hiện, góp phần vừa bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của cả cộng đồng vừa thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra.

Tác giả bài viết: Tô Hà

Nguồn tin: baothanhhoa.vn