Thanh Lương: Nông nghiệp là chủ lực
- Thứ năm - 08/09/2016 11:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chủ tịch UBND xã Thanh Lương - Hà Văn Đoàn, đưa chúng tôi đi thăm một số bản: Khá Thượng 1, Khá Thượng 2, Đồng Lơi… Đến đâu cũng bắt gặp không khí phấn khởi của nhân dân về sự đổi mới trong nếp nghĩ nghĩ, cách làm của cán bộ xã. Là xã thuộc vùng lòng chảo Mường Lò, xã Thanh Lương có diện tích 311,54 ha, trong đó đất nông nghiệp 210,42 ha; dân số gần 800 hộ với 4 dân tộc: Kinh, Tày, Thái, Mường. Đời sống kinh tế của trên 80% hộ dân là thuần nông, nên Đảng ủy, chính quyền xã xác định sản xuất nông nghiệp là khâu chủ lực.
Để tạo đột phá trong nông nghiệp, nông thôn, xã đã vận động nhân dân đưa tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi. Đối với cây lúa, nhiều năm đã loại bỏ các giống lúa dài ngày, năng suất thấp và gieo cấy 100% giống lúa lai, lúa thuần năng suất, chất lượng cao ở cả 2 vụ đạt 330 ha; năng suất cả năm đạt 12,5 tấn/ha. Cùng với đẩy mạnh thâm canh cây lúa, nhân dân còn trồng 115 ha ngô, trên 30 ha rau màu các loại, đưa tổng sản lượng lương thực hàng năm đạt 2.062 tấn, lương thực bình quân đầu người gần 800 kg/người/năm.
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi những năm gần đây cũng đã có bước phát triển khá. Hàng năm, xã luôn coi trọng tiêm phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nên đã hạn chế được dịch bệnh. Hiện tại, đàn trâu, bò có 385 con, lợn gần 2.000 con, gia cầm các loại 12.100 con. Nhiều hộ còn tận dụng mặt nước để nuôi cá, trong đó có thả cá xen lúa mang về nguồn thu 20 đến 40 triệu đồng/năm và tổng giá trị từ chăn nuôi hàng năm của xã đạt khoảng trên 5 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND xã Hà Văn Đoàn cho biết: “Để tập trung phát triển kinh tế, xã đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, giao nhiệm vụ cho các tổ chức, đoàn thể phối hợp với 7 thôn bản chỉ đạo sản xuất về cơ cấu giống, khung thời vụ, phòng trừ sâu bệnh, đưa KHKT vào sản xuất... nên đã góp phần tăng giá trị canh tác 3 vụ trên đất ruộng đạt trên 120 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, diện tích đất màu được tập trung trồng các cây: cà chua, dưa hấu, dưa lê, dưa chuột… cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan.
Tuy nhiên, để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển đúng với tiềm năng, xã còn tập trung vào một số giải pháp như triển khai tốt các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế hộ như mô hình nuôi lợn thịt 50 con/lứa ở bản Khinh, bản Lý; trồng nấm ở bản Khá Thượng 1, bản Lào; nuôi gà thả vườn ở bản Khinh, Đồng Lơi…
Hàng năm, bà con còn được nhận phân bón NPK theo phương thức trả chậm, vay vốn qua ủy thác tại ngân hàng thông qua các tổ chức, đoàn thể để phát triển kinh tế. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hàng năm, nhân dân đã góp trên 6.000 công để tu sửa, nâng cấp đường nông thôn, nạo vét kênh mương, tu bổ các công trình thủy lợi đầu mối...
Nhiều tuyến đường thôn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như đường bản Đồng Lơi, Khá Thượng 1, bản Lý, Khá Hạ… đã tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi, giao lưu kinh tế, phát triển sản xuất. Đến nay, xã đã hoàn thành 15/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và phấn đấu cuối năm 2016 sẽ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Theo Báo Yên Bái