Thành nghề nhờ sáng tạo cho nhà nông

Thành nghề nhờ sáng tạo cho nhà nông
Đó là nhà nông Đặng Lợi, anh được Bộ Khoa học và Công nghệ trao cúp vàng về giải thưởng sáng tạo toàn quốc năm 2007. Trong 3 năm liền (từ 2013- 2015), anh được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng bằng khen về việc nghiên cứu sáng tạo, vươn lên làm kinh tế giỏi cùng những thành tích trong xây dựng thương hiệu đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Nhà nông Đặng Lợi với sản phẩm bột cá (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Ý tưởng giúp nghề cá 
Sông Đốc là cửa biển lớn, sau mỗi chuyến biển sẽ có một lượng khá lớn cá loại nhỏ, gọi là “cá phân, cá tạp”, người dân mua để làm cá khô, sơ chế bằng cách phơi nắng. Muốn chế biến sản phẩm bột cá bằng máy móc thì phải nhập máy ngoại với chi phí rất cao. Do đó, để có bột cá cung cấp cho thị trường thì một bộ phận hộ dân làm nghề phải sử dụng những công cụ thô sơ, bằng sức người là chính nên sản phẩm bột cá tốn rất nhiều công sức.

“Xưởng cơ khí chuyên gia công sắt thép” Đặng Lợi ra đời từ năm 1993, lúc đầu còn bỡ ngỡ và chưa có kinh nghiệm; chủ yếu làm gia công, sửa chữa máy cơ khí nhỏ cho các tàu thuyền đánh bắt thủy sản hay hàn tiện cho người có nhu cầu. Đến năm 1997, với ý tưởng làm “cái máy nghiền con cá”, anh bắt đầu tìm tòi tài liệu, sách báo, tìm hiểu các loại máy có tính năng giống như ý tưởng của mình. Nhờ chăm chỉ nghiên cứu, học hỏi, lại sẵn có phương tiện là máy tiện hàn, gò đập và sắt thép của cơ sở nên anh vừa làm, vừa tạo sản phẩm theo ý tưởng.
 
Với quyết tâm cao, vừa học vừa sáng chế sản phẩm, cuối năm 2004, chiếc máy chế biến bột cá đầu tay của Đặng Lợi ra đời ngay tại phân xưởng cán thép của gia đình. Máy chế biến bột cá đi vào vận hành, cho ra thành phẩm bột cá thành công như mong đợi.
 
Bột cá do chiếc máy “Đặng Lợi” làm ra, đem chào bán đã được thị trường chấp nhận. Lúc này, những chiếc máy chế biến bột cá được người trong nghề sơ chế cá quan tâm. Năm 2005, đơn đặt hàng của khách hàng đầu tiên mua máy được ký kết.

Hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng theo thị trường, anh đã chế tạo nhiều loại máy có công suất chế biến từ 30- 150 tấn nguyên liệu/ngày. Trong 2 năm (2015- 2016) anh đã thực hiện 110 đơn hàng “Máy chế biến bột cá” cho các bạn hàng tại: Kiên Giang, Nghệ An, Thanh Hóa… trị giá mỗi đơn hàng từ 1- 4 tỷ đồng. Được biết anh đang tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân Miền Trung.
 
Mê “sáng chế” và hiệu quả đem về   

Từ ý tưởng đến hiện thực “máy bột cá”, Đặng Lợi cho ra đời xí nghiệp chế biến bột cá Đặng Lợi. Sản phẩm bột cá không chỉ giúp anh mở ra một mặt hàng mới trong kinh doanh, hỗ trợ địa phương phát triển nghề chế biến con cá, phù hợp với quá trình công nghiệp hóa ngành chế biến sản phẩm, phục vụ cho một ngư trường rộng lớn.
 
Vừa gia công cán tôn, dập tôn, cắt tôn, chế tạo máy bột cá, sản xuất bột cá… Doanh nghiệp tư nhân Đặng Lợi được thành lập đã tạo việc làm cho 50 công nhân, với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
 
5 năm qua, lợi nhuận doanh nghiệp của anh tăng trưởng theo từng năm: Năm 2012, lợi nhuận 2,2 tỷ đồng;  2013 lợi nhuận 2,3 tỷ đồng; năm 2014, lợi nhuận 3 tỷ đồng; năm 2015, lợi nhuận 2,5 tỷ đồng; 8 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận đạt 2 tỷ đồng.
 

Đặng Lợi từ biệt quê hương Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, cùng gia đình vào Cà Mau lập nghiệp tại cửa biển Sông Đốc. Sau 6 năm lập nghiệp, bước vào tuổi 48, anh đã trở thành “Người nông dân” thành đạt với mức lợi nhuận 2,5 tỷ đồng/năm bằng nghề sắt, thép và chế biến bột cá.
Vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, lập thân, lập nghiệp, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương, tích cực và chủ động trong phong trào nông dân, nhà nông Đặng Lợi đã trở thành người đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
 
Là một doanh nhân trên bước đường thành đạt, anh tích cực tham gia công tác tại khóm 11, tích cực giúp hộ nghèo bằng nhiều việc làm cụ thể. Thời gian qua, góp hơn 100 triệu đồng giúp nông dân nghèo và xây dựng các công trình phúc lợi tại cộng đồng. Doanh nghiệp của anh cũng luôn quan tâm đến đời sống công nhân nghèo, anh đã hỗ trợ 180 triệu đồng để xây dựng 06 căn nhà ở cho công nhân (giá trị 30 triệu đồng/căn), giúp công nhân ổn định nhà ở, yên tâm sản xuất.
 
Nhà nông Đặng Lợi đã và đang từng bước góp sức xây dựng lực lượng doanh nhân trẻ trên cửa biển quê hương Cà Mau.

Theo Hội Nông dân