Thành quả 10 năm đề án giống: Bài 8 - Nâng tầm chất và lượng giống cá tra
- Thứ ba - 25/06/2019 05:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ dự án, Viện II đã chuyển giao 101.000 cá hậu bị. |
Theo đó, giai đoạn 2011 – 2015, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II đã chuyển giao tổng cộng 101.000 cá hậu bị, khối lượng 1,1 - 1,3 kg/con, tỷ lệ đực cái 1:1, đàn con của quần thể chọn giống tăng trưởng nhanh G2 đến 63 trung tâm, trại SX giống thuộc 9 tỉnh/thành phố, bao gồm: Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Trà Vinh và Hậu Giang.
Cá tra do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II chuyển giao đều được đánh dấu vị trí DCWT (Decimal Coded Wire Tag) để phân biệt cá chọn giống với cá thường. Đàn cá thành thục và cho sinh sản cung cấp cá bột cho ương cá giống vào năm 2013. Đến nay, số lượng cá bố mẹ còn 38.657 con và đang tiếp tục được khai thác sử dụng.
Theo đánh giá độc lập của Viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản năm 2017, tỷ lệ thành thục, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở, tỷ lệ sống cá bột lên cá hương của cá tra chọn giống tương đương với cá chưa chọn giống, nhưng tỷ lệ dị hình cá bột và giống thấp hơn, tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá hương lên giống cao hơn, tiêu tốn thức ăn ở cá giống thấp hơn, lợi nhuận ương cá giống và nuôi cá thịt cao hơn.
Do đó, người nuôi sẵn sàng trả giá cá giống cao hơn bởi tăng trưởng ở cá thịt nhanh hơn, hệ số tiêu tốn thức ăn ở cá giống và thịt đều thấp hơn.
Trong giai đoạn năm 2016 - 2020, dự án 2 “SX cá tra giống chất lượng cao” đã chuyển giao 30.000 cá hậu bị, khối lượng 1 kg/con, tỷ lệ đực cái là 65% cái và 35% đực. Đàn cá hậu bị đã chuyển giao là đàn con của quần thể chọn giống tăng trưởng nhanh thế hệ thứ ba (G3). Cá hậu bị được chuyển giao đến 17 trung tâm, trại SX giống thuộc 6 tỉnh/thành phố: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang.
Cũng giống giai đoạn 1, tất cả cá tra chuyển giao giai đoạn 2 cũng được đánh dấu vị trí DCWT để phân biệt cá chọn giống với cá thường. Cá hậu bị cho phát tán giai đoạn này là đàn con của quần thể chọn giống tăng trưởng nhanh G3 có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn 20,4% so với quần thể chưa chọn giống.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II Nguyễn Văn Sáng cho biết, với 38.657 con cá bố mẹ đang khai thác của dự án 1 và 30.000 cá hậu bị của dự án 2 sẽ khai thác trong 1 - 2 năm tới, các trại và doanh nghiệp nhận cá phải tuân thủ theo quy chế quản lý và khai thác đàn cá theo quyết định số 1673/QĐ-BNN-TCTS ngày 22/07/2013 của Bộ NN-PTNT.
Theo quy chế quản lý này, các trại và doanh nghiệp SX giống phải đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở SX giống, thực hiện theo quy trình SX giống cá tra chọn giống ban hành kèm theo, chịu sự quản lý của đơn vị quản lý địa phương và trung ương, thay thế đàn cá sau thời gian quy định...
Dự án đã tạo được sự gắn kết tốt giữa hạt nhân chọn tạo giống là Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II và đơn vị nhân giống là các trại SX cá bột...
Ngoài thực hiện các dự án SX giống cá tra, Viện II còn triển khai dự án “SX giống cá rô phi đỏ (diêu hồng) chọn giống, 2016-2018” đã SX và cung cấp được 62.000 con và 15.000 con hậu bị tăng trưởng nhanh trong môi trường nuôi nước ngọt và lợ mặn, góp phần nâng cao chất lượng con giống và hiệu quả nuôi của người dân cho cả 2 môi trường đặc biệt trong ao nuôi vùng lợ mặn. Viện II cũng triển khai thành công dự án “Phát triển giống một số loài thủy sản bản địa quý hiếm 2011 - 2013”, hoàn thiện quy trình SX giống, xây dựng mô hình trình diễn và tập huấn cho người dân An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa. Đặc biệt, quy trình SX giống cá bông lau được hoàn thiện, giúp đa dạng hoá đối tượng nuôi vùng nước lợ và là đối tượng đón đầu trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn diễn ra. |
Theo Đại Từ/ Nông nghiệp