Tháo gỡ rào cản đầu tư vào nông nghiệp
- Thứ sáu - 15/12/2017 08:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại HTX Đan Hoài - Flora Việt Nam (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt |
Vốn đầu tư vào nông nghiệp chiếm khoảng 1%
Ông Ngô Tất Thắng, Phó chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới trung ương cho biết: Sau gần 7 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cả nước đã có 2.853 xã, chiếm 31,96% tổng số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, diện mạo nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh là nhờ sự đóng góp của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp, điển hình như Tập đoàn TH, Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup... Những doanh nghiệp này đã làm thay đổi cơ cấu sản xuất, tư duy phát triển nông nghiệp, hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao; đã tạo liên kết với nông dân, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ vật liệu, kinh phí…
Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, tổng vốn đầu tư chiếm tỷ lệ thấp. Hiện, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm 0,96% tổng số doanh nghiệp cả nước với tổng vốn đầu tư chỉ chiếm khoảng 1% và lao động là 2,3%.
Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Chính sách thu hút và khích lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có nhiều nhưng để đi vào cuộc sống vẫn gặp vô vàn khó khăn. Đồng quan điểm, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng: Rào cản lớn ở Hà Nội là đất đai. Thành phố có diện tích đất nông nghiệp lớn nhưng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, giá bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố khác. Ví dụ như ở hai huyện Ứng Hòa và Phú Xuyên thấp nhất cũng là 8,1 tỷ đồng/ha, còn huyện cao nhất khoảng 10 tỷ đồng/ha. Vốn cũng là một “nút thắt” khi đa số doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô hiện có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nguồn vốn đầu tư hạn chế. Trong khi đó, tín dụng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thấp và có nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn vay.
Tập đoàn Sao Thái Dương là doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp và năng lượng mặt trời đang đầu tư Nhà máy tre công nghiệp tại tỉnh Hòa Bình, trên diện tích 6ha. Tuy nhiên, doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn do hạ tầng vùng nguyên liệu và khu vực nhà máy yếu kém; việc tích tụ ruộng đất để hình thành vùng nguyên liệu tập trung có nhiều gian nan...
Chính sách cho doanh nghiệp lớn đã khó, đối với doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, nông dân trực tiếp sản xuất ở nông thôn còn khó khăn hơn nhiều. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong xây dựng nông thôn mới, bởi hiện nay doanh nghiệp siêu nhỏ ở nông thôn với khoảng 10 lao động đang chiếm tới 50% tổng số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Trong khi, năng lực khoa học - công nghệ của những đơn vị này yếu, 75% đang sử dụng máy móc hết khấu hao, tỷ lệ tổn thất trong và sau thu hoạch cao, sản phẩm thô sơ, đơn điệu, thiếu kỹ năng và thông tin thị trường…
Giảm bớt khâu trung gian trong hỗ trợ
Hóa giải những khó khăn trên, nhiều ý kiến đề xuất cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho các nhà đầu tư, xóa cơ chế xin - cho; phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, loại bỏ các thủ tục phải trình lên cấp bộ phê duyệt. Việc hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung vào khâu bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Hợp tác xã Chăn nuôi Hòa Mỹ, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho rằng: Để chính sách hỗ trợ có hiệu quả cần bỏ bớt các khâu trung gian, tập trung hỗ trợ trực tiếp đến tay nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp. Nhà nước cần hỗ trợ hạ tầng cơ bản cho dự án đầu tư vào sản phẩm nông sản chủ lực, quy mô lớn, nằm trong quy hoạch, phù hợp với đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Bộ NN&PTNT cũng như của tỉnh, thành phố. Ví dụ như trong lĩnh vực chăn nuôi cần hỗ trợ đầu tư về đường điện, đường giao thông chính dẫn vào khu sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng: Chính phủ cần sớm cho phép, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được phép sử dụng một phần diện tích đất của dự án trong vùng nguyên liệu tập trung để xây dựng trụ sở, kho chứa, nhà máy chế biến và hạ tầng kỹ thuật đi kèm, hệ thống xử lý chất thải, mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã có thể sử dụng vốn góp bằng quyền sử dụng đất của người dân và công trình xây dựng, gồm: Nhà lưới, nhà kính, nhà màng và thiết bị làm tài sản để bảo đảm vay vốn. Đồng thời có chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, hợp tác xã vừa mới thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị liên kết...
Về vấn đề đất đai, tích tụ ruộng đất, UBND các tỉnh, thành phố và UBND các huyện, thị xã phải là trọng tài trong các dự án giao đất, không để doanh nghiệp tự thỏa thuận với dân, tránh tình trạng vừa phải trả tiền dân vừa phải trả tiền thuê đất tại chính mảnh đất mình vừa mua. Chính sách tích tụ đất đai cần cụ thể để người dân, doanh nghiệp cùng có lợi khi hợp tác chuyển nhượng, giao đất quyền sử dụng đất.
Theo Bạch Thanh/hanoimoi.com.vn