Thay đổi từ ý thức

Thay đổi từ ý thức
Để người dân thực sự được sống trong một xã NTM có đời sống vật chất lẫn tinh thần được nâng cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Lĩnh xác định không vì chạy theo thành tích mà đốt cháy giai đoạn.
Từ gia trại, nhiều hộ đã chuyển sang mô hình trang trại cho thu nhập cao

Được đánh giá là địa phương có điểm xuất phát khá khi bước vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM nhưng xã Thanh Lĩnh (huyện Thanh Chương, Nghệ An) vẫn có những khó khăn đặc thù của một xã nông thôn miền núi thuần nông.

Để người dân thực sự được sống trong một xã NTM có đời sống vật chất lẫn tinh thần được nâng cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Lĩnh xác định không vì chạy theo thành tích mà đốt cháy giai đoạn.

Áp lực môi trường

Ông Nguyễn Hoài Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lĩnh, cho biết, trong tất cả các tiêu chí chưa đạt, khó khăn nhất là 2 tiêu chí môi trường và thu nhập của người dân. Thanh Lĩnh đất chật, người đông, mỗi ngày có tới 3-4 tấn rác thải sinh hoạt, áp lực về môi trường từ hàng chục năm nay chưa bao giờ là điều dễ thở.

Nằm cách thị trấn Thanh Chương một cây cầu, 3 mặt đều là sông nước, từ lâu người dân Thanh Lĩnh vẫn vô tư xả rác tại các điểm mô cầu, cống bờ sông. Nhiều người thiếu ý thức từ các xã phụ cận cũng coi dọc các tuyến đường qua Thanh Lĩnh là điểm tập kết rác thải quen thuộc.

Nơi những biển báo cấm đổ rác được cắm lên lại là nơi tập trung nhiều rác thải nhất. Bệnh tật vì thế cứ ám ảnh mãi người nông dân Thanh Lĩnh. Cử lực lượng canh chừng được một thời gian, việc vứt rác bừa bãi lại tái diễn và trở thành căn bệnh mãn tính không tìm ra lời giải.

“Nhưng một xã muốn đạt chuẩn NTM thì phải có đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, phong quang. Vì thế, phải thay đổi tư duy, ý thức người dân từ đó thay đổi hành động của họ”, ông Anh nhấn mạnh.

Một chiến dịch tuyên truyền, hành động dài hơi được chính quyền địa phương lên kế hoạch. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội về hỗ trợ xử lý môi trường, nhiều hộ dân đã xây dựng được nhà tắm, bể chứa nước, nhà xí hợp vệ sinh.

Xã trích kinh phí, khuyến khích người dân trồng cây phân tán để cải thiện ô nhiễm môi trường, xây hố phân loại, xử lý rác thải tại gia. Với mỗi hố xử lý rác tại gia được xây dựng, xã sẽ thành lập tổ kiểm tra, thẩm định và hỗ trợ số tiền 300 nghìn đồng. Đến nay, toàn xã đã có trên 80% hộ xây dựng được hố xử lý rác tại gia, lượng rác thải tại các đầu mối, dọc các tuyến giao thông giảm đáng kể; gần 100% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Để giải quyết triệt để rác thải được vứt dọc đường, UBND xã Thanh Lĩnh xây dựng chương trình vệ sinh cộng đồng và giao các ban ngành, đoàn thể chính trị phụ trách. 11 tổ xử lý rác thải tại 11 thôn xóm đã được thành lập.

Công việc điều hành được giao cho Hội Phụ nữ phụ trách, hằng tuần, các Chi hội Phụ nữ đều tổ chức vệ sinh khu vực dân sinh; mỗi tháng một lần vệ sinh, dọn dẹp các tuyến đường. Để có nơi tập trung, xử lý rác thải lâu dài, UBND xã Thanh Lĩnh đã huy động nội lực, xây dựng được 1 khu tập kết rác thải tập trung rộng gần 1 ha với kinh phí xây dựng trên 800 triệu đồng.

Nâng cao hiệu quả làng nghề

Điểm ấn tượng nhất của Chương trình MTQG xây dựng NTM tại Thanh Lĩnh là tiêu chí thu nhập được hoàn thiện có tính bền vững, lâu dài cho người nông dân. Và quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để người dân biết cách làm giàu.

Chính quyền địa phương cho biết, đây là tiêu chí khó bởi gần 100% người dân Thanh Lĩnh sống chỉ nhìn vào ruộng đất. Thu nhập từ cây lúa, cây ngô chỉ cho người nông dân đủ ăn, gắng gượng nuôi con cái ăn học. Để tăng thu nhập từ 17 triệu đồng/người/năm lên 24 triệu đồng/người/năm đối với người nông dân thực sự là một bài toán khó.

14-14-46_2
Nông dân Thanh Lĩnh đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, nâng cao thu nhập

Sau khi thực hiện thành công tác dồn điền đổi thửa, ruộng đất Thanh Lĩnh đã không còn manh mún, nhỏ lẻ, giao thông nội đồng đảm bảo để đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa trong nông nghiệp. Điều này đã tạo điều kiện để nông dân Thanh Lĩnh mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.

Để người nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa có giới hóa vào SX, UBND xã Thanh Lĩnh đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn, hội thảo. Từ năm 2011 đến nay, UBND xã Thanh Lĩnh đã lồng ghép các chương trình, tổ chức được 7 lớp với trên 300 người tham gia các lớp tập huấn về đào tạo nghề nông thôn, đưa cây con mới vào nuôi trồng. Nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển từ chăn nuôi gia trại sang trang trại ở xa các khu dân cư, đàn bò được Sind hóa, chiếm trên 70% tổng đàn.

Điểm nổi bật trong việc nâng cao thu nhập cho nhà nông là việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các làng nghề tại Thanh Lĩnh. Làng nghề chổi đót, làng nghề kết chổi giang, trồng dâu nuôi tằm được hình thành và phát triển, thu hút gần 300 hộ dân tham gia.

Cùng với việc duy trì, phát triển làng nghề, đầu ra cho sản phẩm được chính quyền địa phương hết sức quan tâm với việc thành lập HTX kết chổi giang tre. Hằng năm, HTX kết chổi giang tre bao tiêu toàn bộ số sản phẩm do các hội viên làng nghề SX đưa đi tiêu thụ các thị trường trong và ngoài tỉnh. Sau chuyển đổi ruộng đất, các mô hình SX được người dân đầu tư thâm canh, hiệu quả SX được nâng lên rõ rệt. Tiêu biểu là mô hình rau màu, dưa chuột, bí xanh (2,5 ha), cho thu nhập 1 tỷ đồng/ha/năm.

Các giải pháp đồng bộ trên đã giúp Thanh Lĩnh giải quyết triệt để lao động dư thừa tại địa phương, giúp nông dân tận dụng thời gian nông nhàn, tăng thu nhập. Tính đến cuối năm 2014, thu nhập bình quân đầu người tại Thanh Lĩnh đã đạt 24 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo từ 5,7% (năm 2011) giảm xuống còn 3,06% (năm 2014).

Đời sống vật chất, tinh thần và nhận thức của người dân được nâng lên, quá trình xây dựng NTM đã tạo được bước đột phá. Người dân đã đóng góp trên 30 tỉ đồng (cả tiền, đất lẫn ngày công lao động) để xây dựng Thanh Lĩnh thành xã NTM đầu tiên của huyện Thanh Chương.

Nguồn: NNVN