Thay đổi tư duy làm nông nghiệp
- Thứ hai - 03/11/2014 02:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông nghiệp phải được đầu tư đúng mức để thực sự
là trụ đỡ của nền kinh tế
PV: Chúng ta đang tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên trong những năm gần đây tỷ trọng nông nghiệp cho nền kinh tế đang bị sụt giảm. Theo bà nguyên nhân là do đâu? Phải chăng do chúng ta đã giảm đầu tư cho lĩnh vực này trong những năm gần đây?
Đại biểu Quốc hội BÙI THỊ AN: Nông nghiệp Việt Nam tuy xuất khẩu nhiều, nhưng chưa có thương hiệu mạnh, thiếu bền vững trên thị trường thế giới. Theo tôi có 2 vấn đề chính. Thứ nhất là cải cách thể chế, tính minh bạch là số 1. Bây giờ phải minh bạch trong chỉ đạo, điều hành. Đó là tiêu chí quan trọng trong đánh giá, từ cấp Chính phủ cho đến địa phương, phường xã; Là chỉ tiêu trong cải cách thể chế vì bệnh không minh bạch là nguyên nhân của rất nhiều bệnh. Loại được bệnh không minh bạch sẽ loại được các bệnh khác, từ tham nhũng cho đến cơ chế xin cho. Thứ hai là phải tăng đầu tư cho nông nghiệp. Trong thời gian qua khi kinh tế khó khăn nông nghiệp đã là bệ đỡ, giải được bài toán về an ninh lương thực mà các nước khác trên thế giới đang mơ mà không có được.
Năm qua nông nghiệp đã đóng góp cho đất nước 26 tỷ USD, nhưng quan trọng khi sản xuất ổn định, nông nghiệp sẽ giải quyết được bài toán lao động với 70% dân số ở nông thôn, với hàng chục triệu lao động. Phải lấy đấy để ổn định xã hội để từ đó đưa đất nước đi lên. Phải đầu tư mạnh về giống cây trồng để nâng giá trị hàng hóa lên, vì ai cũng nói là giá trị thấp. Song, quan trọng hơn nền nông nghiệp của ta chưa bền vững. Nhắc lại, nếu chúng ta không ổn định được đời sống 70% dân số ở nông thôn thì không giải quyết được các vấn đề khác.
Thực tế thì trong thời gian qua, chúng ta mới phát triển nông nghiệp theo chiều rộng nghĩa là mở rộng sản xuất chứ chưa chú trọng đến chiều sâu là ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất?
- Đầu tư cho khoa học công nghệ thứ nhất là chọn giống, thứ hai là công nghệ chế biến, thứ ba là công nghệ bảo quản. Công nghệ bảo quản sau thu hoạch rất quan trọng bởi vừa rồi có hiện tượng nước ngoài mua hoa quả của mình như vải hay nhãn xong họ bảo quản kéo dài thời gian và nâng giá trị lên rất nhiều. Còn chúng ta sau 3 ngày phải bán đổ bán tháo. Cho nên, tôi cho rằng phải ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình bảo quản sau thu hoạch. Và trên cơ sở đó mới nâng được giá trị thực của sản phẩm nông nghiệp lên, để có chỗ đứng trên thị trường quốc tế, và bền vững. Cần khoa học công nghệ chính là ở chỗ đó. Từ giống đến bảo quản, rồi chế biến thì mới nâng được chất lượng lên.
Lâu nay chúng ta vẫn nói nông dân được mùa nhưng rớt giá do gặp vấn đề đầu ra. Vậy vai trò của Nhà nước như thế nào trong điều hành quản lý, thưa bà?
- Về việc được mùa rớt giá, chúng tôi đề nghị Chính phủ khuyến khích tạo mọi điều kiện về cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp cũng như tư nhân đầu tư vào nông nghiệp. Bởi, tại sao chúng ta vẫn kêu tổ chức thị trường còn kém và đây chính là điểm tắc nghẽn trong quá trình đưa nông nghiệp phát triển. Nguyên nhân là do thương lái bất chính hay không trực tiếp hỗ trợ người nông dân nên gây ra hiện tượng làm ăn thua lỗ khiến nông dân mất việc nghèo đói, gây ra tệ nạn xã hội. Cho nên vai trò của Nhà nước rất quan trọng trong việc tổ chức lại thị trường theo định hướng XHCN. Tức là để người sản xuất, và người tiêu dùng không bị thiệt, chứ vừa qua chúng ta đã buông lỏng thị trưởng để cho thương lái bất chính ăn chặn đủ đường khiến người nông dân thua lỗ rất nhiều, khóc ròng khi được mùa rớt giá, ép giá.
Trong năm 2015 ở lĩnh vực nông nghiệp, tôi nghĩ, Chính phủ phải tổ chức lại thị trường, và quản lý rất chặt. Nhiều nước trên thế giới "mơ” giải quyết vấn đề lương thực nhưng chưa được, còn chúng ta đã đạt được rồi. Nước Mỹ đầu tư mất bao nhiêu tỷ USD mà còn chưa đủ để đáp ứng lương thực trong nước. Còn chúng ta, chúng ta phải xác định Việt Nam vẫn phải đi lên trên nền nông nghiệp trong nhiều năm tới.
Ở các nước, khi tái cơ cấu nông nghiệp họ đặt ra 3 vấn đề quan trọng đó là tiền, thị trường và tư duy. Vậy theo bà chúng ta đã đến lúc cần thay đổi về tư duy làm nông nghiệp?
- Đúng là chúng ta phải thay đổi tư duy, đó là điều rất quan trọng. Muốn thế, thể chế, cơ chế chính sách phải tạo ra sự thông thoáng, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp làm một cách tổng thể từ khoa học cho đến thị trường. Ví dụ như Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, họ vừa sản xuất ra giống, vừa có phân bón và đảm bảo thị trường cho nông dân nên nông dân không phải lo. Riêng điều đó làm cho nông dân yên tâm để mà sản xuất. Nước nào cũng cần khoa học công nghệ, sau đó là xúc tiến thương mại để xuất khẩu. Ở đây xuất khẩu phải ổn định chứ không phải nay được 3 đồng mai chỉ được 1 đồng. Nghĩa là phải có thương hiệu mạnh bền vững trên thương trường quốc tế. Vì vậy, việc xúc tiến thương mại cần được thúc đẩy, như vậy mới có đầu ra cho nông nghiệp. Và xúc tiến thương mại chính là việc của Nhà nước.
Trân trọng cảm ơn bà!
Chủ nhật, ngày 2-11, khi chúng tôi thực hiện một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng với bà Bùi Thị An qua điện thoại cho số báo ra ngày hôm nay (3-11) cũng là lúc bà vừa tiếp xúc xong với cử tri và đang nghiên cứu bài viết về nông nghiệp của Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTUMTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim (Đại biểu Quảng Ngãi), đăng trên Báo Đại Đoàn Kết hôm 1-11. Bà cười nói: "Tôi thấy rất vui khi quan điểm của anh Kim cũng giống như tôi. Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải làm sao tăng cường ngân sách đầu tư cho nông nghiệp ít nhất trong 15-20 năm tới, bởi đất nước ổn định thì mới phát triển được”. Bà cho biết, kết thúc một ngày nghỉ nhưng vẫn khá bận rộn bằng việc đọc tài liệu và tham khảo thông tin của báo chí để chuẩn bị cho các bài phát biểu của mình tại Quốc hội trong những ngày tới. |
Theo daidoanket.vn