Thay đổi tư duy sản xuất lúa gạo
- Thứ hai - 27/03/2017 11:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sau nhiều năm “vui” với số lượng xuất khẩu gạo cao ngất, các ngành chức năng, doanh nghiệp đang "giật mình" vì những yếu tố không bền vững, sức cạnh tranh yếu... của ngành lúa gạo Việt Nam.
Nhiều điểm nghẽn
Theo số liệu khảo sát của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dù có thời gian dài tham gia thị trường xuất khẩu (XK) nhưng đến nay hầu hết người tiêu dùng chỉ biết đến gạo trắng và phân chia theo tỷ lệ tấm chứ chưa có thương hiệu gạo mang tên Việt Nam. Ngay cả thị trường trong nước, gạo nội vẫn bị đánh giá thấp hơn nhiều so với gạo nhập khẩu từ "đối thủ" trực tiếp như Thái Lan, Campuchia...
"Gạo của ta từ trước đến nay vẫn chỉ đóng bao và mang nhãn hàng của doanh nghiệp hay quốc gia nhập khẩu. Vì vậy có rất nhiều trường hợp gạo được sản xuất trong nước nhưng lại sử dụng bao bì nước ngoài và được bày bán trong các trung tâm thương mại. Đây là điều bất công và thiệt thòi lớn cho hạt gạo nước nhà", ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA cho biết.
Theo số liệu khảo sát của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dù có thời gian dài tham gia thị trường xuất khẩu (XK) nhưng đến nay hầu hết người tiêu dùng chỉ biết đến gạo trắng và phân chia theo tỷ lệ tấm chứ chưa có thương hiệu gạo mang tên Việt Nam. Ngay cả thị trường trong nước, gạo nội vẫn bị đánh giá thấp hơn nhiều so với gạo nhập khẩu từ "đối thủ" trực tiếp như Thái Lan, Campuchia...
|
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm đến 90% lượng gạo XK cả nước và có mặt tại 150 thị trường trên thế giới, đạt sản lượng hơn 26 triệu tấn, chiếm gần 60% sản lượng cả nước. Mặc dù có con số ấn tượng trên nhưng hiệu quả, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường lúa gạo tại đây còn thấp. Cụ thể, tỉ lệ gạo thất thoát gần 14% (Thái Lan, Ấn Độ chỉ là 6%), tỷ lệ gạo trên 15% tấm chiếm tới hơn 1/3 lượng gạo XK... Điều quan trọng nhất là thu nhập của nông dân chỉ đạt khoảng 35 - 40 triệu đồng/ha/hộ (Thái Lan gấp 2,7 lần; còn Indonesia, Philippines cao hơn 1,5 lần).
Theo các chuyên gia trong ngành, chất lượng gạo thấp và không đồng đều là do có quá nhiều giống lúa được đưa vào sản xuất, không có vùng nguyên liệu có chất lượng đủ lớn, gạo thành phẩm là sự phối trộn của nhiều giống khác nhau trong quá trình chế biến... Tương lai không xa, khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ đối mặt với thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mặn xâm nhập diễn biến khó lường, ảnh hưởng nặng nề đến đến diện tích đất lúa và chất lượng đất lúa.
"Diện tích đất lúa còn manh mún, khó triển khai sản xuất lúa hàng hóa với chất lượng đồng bộ; chưa có chuỗi liên kết sản xuất bền vững; doanh nghiệp XK gạo chưa thể hiện là đầu tàu dẫn dắt sản xuất... Trong khi đó, chưa bao giờ thị trường gạo lại có sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay và ngành lúa gạo trong nước đang phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của đại bộ phận nhà nông", ông Huệ nói thêm.
Mục tiêu giá trị
Tại Hội thảo phát triển ngành hàng lúa gạo khu vực đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức mới đây tại tỉnh An Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các địa phương, ban, ngành chức năng cần tập trung, làm rõ những bất cập mà ngành hàng lúa gạo đang gặp phải để có hướng giải quyết, tháo gỡ kịp thời. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp XK lúa gạo, cần phải bỏ ngay quy định quy hoạch về thương nhân XK gạo, đổi mới tổ chức và hoạt động của VFA, cũng như có những thay đổi về chính sách thuế, mở rộng quy định hạn điền, ưu tiên vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp...
"Các bộ, ngành cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa cho nông nghiệp, nhất là về khoa học công nghệ. Điều quan trọng nhất lúc này là phải bỏ ngay tư duy sản xuất chỉ chạy theo sản lượng, năm sau phải cao hơn năm trước mà không quan tâm đến chất lượng. Hệ thống các ngân hàng thương mại xem xét sớm có giải pháp tạo nguồn vốn trung, dài hạn với lãi suất chấp nhận được giúp nhà sản xuất, chế biến, XK gạo dễ dàng trong tiếp cận", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gợi ý.
Kết thúc năm 2016, XK gạo của Việt Nam đạt gần 2,2 tỉ USD, giảm cả về số lượng và giá trị. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là giá gạo đã tăng thêm khoảng 27 USD/tấn so với năm 2015. Để có đầu ra ổn định và mang lại hiệu quả cao cho sản phẩm lúa gạo, theo các chuyên gia trong ngành, cần coi lúa gạo là một loại hàng hóa, trong đó điều chỉnh lại sản lượng lúa gạo hợp lý gắn với chuyển đổi diện tích đất lúa sang loại cây trồng khác và chăn nuôi. Trong sản xuất phải chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý triệt để tình trạng tồn dư hóa chất đối với gạo, truy suất được nguồn gốc và gắn với nhu cầu thực tế của từng thị trường.
"Phải có cơ chế thu hút đầu tư nguồn lực xã hội, nhất là doanh nghiệp trong vai trò tiên phong trong xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất, đóng gói đến tiêu thụ. Thời gian tới, kết hợp với các ngành chức năng, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng gạo Việt Nam phù hợp với quốc tế. Công việc cần làm lúc này là nhanh chóng tổ chức lại sản xuất để quản lý tốt hơn chất lượng lúa gạo theo hướng chuỗi giá trị, cũng như thúc đẩy, nhân rộng các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới làm dịch vụ đầu ra, hướng tổ chức sản xuất theo phương thức, hộ nông dân nhỏ - cánh đồng lớn", Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay.
Lê Nghĩa/Báo Tin Tức