Thị trường tuần qua: Cái chết đang rình rập từng mâm cơm gia đình

40/120 mẫu rau tồn dư thuốc bảo vệ vượt mức, 455/ 735 mẫu thịt gia sức, gia cầm không an toàn cho người sử dụng... cái chết rình rập mâm cơm gia đình.
Ảnh minh họa.

“Cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm gia đình”

Tại diễn đàn kết nối doanh nghiệp – người tiêu dùng “Đón sóng thực phẩm sạch” sáng 23/8, TS. Hoàng Đình Chân, Giám đốc Bệnh viện ung bướu Hưng Việt dẫn báo cáo cho thấy có 40/120 mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; 455/ 735 mẫu thịt gia sức, gia cầm không an toàn cho người sử dụng.

Còn theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, hơn 2.000/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc kém chất lượng; hơn 2.500/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

“Phải nói rằng đây là con số hết sức báo động nếu chúng ta không quan tâm tới thực phẩm sạch. Dưới góc độ người làm y tế, có 1 câu nói rất nổi tiếng là “Cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm gia đình, thậm chí ngay trong từng bữa ăn của trẻ nhỏ”, ông Chân nhấn mạnh. ( Xem tiếp )

Giá xăng “cõng” thêm 200 đồng/lít vì cách tính thuế mới?

Với việc áp dụng Nghị định 100/2016/NĐ-CP, thay vì tính thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với mặt hàng xăng là bằng 10% tổng giá nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được tính dựa trên giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra.

Trong khi, giá của mặt hàng xăng được xác định theo Thông tư liên tịch số 39 ngày 29/10/2014 bao gồm giá nhập khẩu (CIF) x tỷ giá ngoại tệ, thuế nhập khẩu, lợi nhuận định mức, chi phí định mức, quỹ bình ổn, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, các khoản thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định…

“Như vậy, với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt như hiện nay dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế. Việc thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng sẽ khiến giá xăng hiện tại bị vênh với giá xăng theo cách tính cũ lên đến 200 đồng/lít”, một chuyên gia ngành thuế phân tích. ( Xem tiếp )

Metro Việt Nam đổi tên mới, hợp nhất với Big C Thái Lan

Việc hợp nhất lần này sẽ giúp tập đoàn TCC giành lợi thế trong cuộc đua cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên thị trường không chỉ ở Việt Nam, Thái Lan mà cả khu vực tiểu vùng sông Mekong và Đông Nam Á.

Trước đó vào tháng 7/2016, Metro Việt Nam đã được đổi tên thành Mega Market Vietnam, đồng thời chuỗi siêu thị này lên kế hoạch đầu tư vào Thái Lan để mở rộng mạng lưới bán buôn. Mega Market Việt Nam hiện có 19 trung tâm bán buôn trên cả nước cùng 2 kho chứa cá và rau sạch.

TCC đã hoàn thành thỏa thuận mua lại Metro Việt Nam vào tháng 1/2016 với giá 704 triệu USD. Trong khi đó, công ty mẹ của Big C là Berli Jucker Pcl tuyên bố họ hy vọng doanh số bán hàng hằng năm đạt 100 tỷ baht (tương đương 3 tỷ USD) trong năm 2016. ( Xem tiếp )

Ô tô điện chạy chết đứng, người Việt ai dám xài?

Dầu thô ngày càng cạn kiệt và những đe dọa và môi trường là hai yếu tố quan trọng khiến xu hướng chuyển sang sử dụng ô tô điện ngày càng nhiều. Kết quả nghiên cứu mới tại châu Âu cho thấy, năm 2026, thói quen mua xe ô tô sẽ có một bước chuyển lớn, sang dòng xe điện, trong đó, thị trường tiềm năng nhất thuộc về châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, ô tô điện hiện chưa đáp ứng được những đòi hỏi của người tiêu dùng về mặt công nghệ. Khả năng tích điện của sản phẩm còn thấp, hầu hết các xe chỉ chạy được khoảng 150 km là phải nạp điện, thời gian nạp kéo dài 4-7 giờ và giá còn đắt so với ô tô chạy xăng.

Các nhà khoa học cho biết xu hướng ô tô điện tràn vào Việt Nam là khó tránh khỏi. Ô tô điện phát triển đồng nghĩa với nhu cầu dùng điện tăng. Cân bằng cung - cầu năng lượng sẽ là vấn đề quan trọng. ( Xem tiếp )

VASEP: Nhiều hợp đồng xuất khẩu bị hủy vì thủy sản nhiễm kim loại nặng

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa đại diện cho 270 doanh nghiệp trong ngành kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về thiệt hại sau thảm họa môi trường tại 4 tỉnh miền Trung. Theo đó, sự cố ô nhiễm đã gây tâm lý hoang mang, lo sợ đến đời sống, việc làm cũng như sức khỏe của người lao động. Ngư dân lo lắng và không dám đi đánh bắt.

"Khách hàng quốc tế quan ngại nhiễm kim loại nặng vào nguyên liệu và sản phẩm. Vì vậy, nhiều khách hàng đã hủy hợp đồng không mua thủy sản với các doanh nghiệp có nhà máy chế biến tại 4 tỉnh miền trung. Các doanh nghiệp đã bị thiệt hại rất lớn", VASEP nhấn mạnh. (xem tiếp)

HÀ OANH
theo 
BizLIVE