Thiếu vốn, doanh nghiệp không 'mặn mà' đầu tư sản xuất xanh

Theo các chuyên gia, vốn là một thách thức lớn khiến các doanh nghiệp e ngại trong việc đầu tư tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Vốn là trở ngại lớn khiến doanh nghiệp không đầu tư cho sản xuất xanh.


Thiếu nguồn lực

Tại Hội thảo “Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững: Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp” vừa tổ chức tại Hà Nội, PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhìn nhận, tăng trưởng xanh là đổi mới mô hình tăng trưởng đi liền với tái cơ cấu nền kinh tế trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng hiệu quả tài nguyên, thiên nhiên.

Bên cạnh giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề xóa đói giảm nghèo, cũng như tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Lý, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay là một yêu cầu cấp bách đối với phát triển kinh tế của Việt Nam, nếu như không muốn bị tụt hậu so với các nước trên thế giới và khu vực, cũng như tụt hậu với chính mình. 

Tuy nhiên, TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, hiện nay không có nguồn lực dành cho việc thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Chính phủ trong kế hoạch trung hạn. 

Nguồn lực của Chính phủ để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 bằng cách này hay cách khác đều liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu của chương trình nghị sự 2030, đặc biệt trong đó có chương trình tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vừa qua, Bộ kế hoạch và đầu tư cũng đã xây dựng một hướng dẫn ưu tiên đầu tư công cho các dự án liên quan đến tăng trưởng xanh (không mang tính bắt buộc), dành cho các bộ, ngành địa phương trong quá trình phân bổ nguồn lực cho các dự án.

Bàn về vấn đề vốn cho các dự án tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết,. không chỉ các doanh nghiệp xanh, phát triển bền vững mà các doanh nghiệp như điện than, các dự án BOT giao thông cũng gặp phải vấn đề về vốn. 

"Có thể thấy rằng nếu một doanh nghiệp không có vốn thì vẫn có thể tay không bắt giặc, nhận các dự án BOT nhờ vào nguồn vốn xã hội từ các ngân hàng tín dụng. Trước đây, ngân hàng sẵn sàng đầu tư hàng triệu tỷ đồng cho các doanh nghiệp phát triển các dự án BOT thì chẳng có lý do gì họ không thể đầu tư vào các doanh nghiệp xanh phát triển bền vững. Nhà nước cần đưa ra những chính sách, thể chế để yêu cầu các ngân hàng cấp vốn tín dụng cho các dự án này” ông Nam nói.

Theo ông Nam, Việt Nam cần tập trung nguồn lực phát triển các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên, làm nền tảng cho các ngành khác phát triển. Đặc biệt, vốn xanh nên tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến môi trường như nông nghiệp, lâm nghiệp, và đặc biệt là thủy điện.

Bên cạnh những cơ hội như phân khúc khách hàng lớn đối với các sản phẩm xanh và cơ hội tiếp cận các thị trường khó tính quốc tế, xu hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cũng đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều thách thức.

Quy trình sản xuất xanh không hút doanh nghiệp

Các chuyên gia cho biết, hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Do đó, vẫn còn tồn tại mâu thuẫn giữa mục tiêu lợi nhuận và mục tiêu tăng trưởng xanh, dẫn đến sự e ngại trong tiếp cận quy trình sản xuất xanh. 

Theo một khảo sát của Đại học Bách khoa TP.HCM công bố vào cuối năm 2016: Có tới 70% doanh nghiệp không nghe đến chứng nhận nhãn xanh Việt Nam, hơn 50% doanh nghiệp không quan tâm đến biến đổi khí hậu và 60% doanh nghiệp không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh.

Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tiếp cận xu hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững còn hạn chế. 

PGS.TS Nguyễn Văn Nam

Do đó, ông Nam cho rằng, vấn đề thay đổi nhận thức là hết sức quan trọng, nhưng quan trọng nhất là thay đổi của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách. Việt Nam cần có các hành động thiết thực và quyết liệt hơn thay vì chỉ đưa ra nghị quyết để các doanh nghiệp hướng vào phát triển xanh, hướng vào công nghiệp số. 

Theo Đặng Hoa/theleader.vn