Thoát nghèo nhờ một mô hình

Thoát nghèo nhờ một mô hình
Xác định rõ để phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” đạt hiệu quả thiết thực thì người dân phải thoát nghèo bền vững, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 313 (Bộ CHQS tỉnh Hà Giang) đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Nhờ có mô hình “Hỗ trợ hộ nghèo trâu, bò sinh sản”, từ năm 2005 đến nay, nhiều hộ nghèo trong vùng dự án đã từng bước thoát nghèo, nâng cao thu nhập.

Năm 2010, gia đình anh Sùng Thìn Hầu, ở thôn Cáo Sào, xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) được hỗ trợ một con trâu sinh sản. Hộ anh Hầu thuộc diện hộ nghèo. Với bản tính cần cù, anh đã chăm sóc rất tốt trâu sinh sản và hiện nay đã có bốn con trâu. Với anh và những người dân nơi đây, bốn con trâu là nguồn cung cấp sức kéo rất lớn trong gia đình và đó cũng là con vật góp phần giúp gia đình anh từng bước thoát nghèo. 

Bộ đội Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 313 kiểm tra sức khỏe của trâu tại thôn Tả Ván, xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang).

Nói về chặng đường thoát nghèo của gia đình mình, anh Sùng Thìn Hầu tâm sự: “Trước đây việc cày ruộng của gia đình tôi rất vất vả, phải mất ba người và ba ngày mới có thể cày xong diện tích đất, nhưng giờ có trâu, chỉ cần một mình tôi trong một ngày đã hoàn thành cả khối công việc đó. Bốn con trâu là số tài sản lớn nhất từ trước tới nay mà gia đình tôi có được...".

Cũng như gia đình anh Hầu, gia đình anh Đặng Văn Tuấn ở thôn Tả Ván, xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên cũng nằm trong diện các hộ được thụ hưởng dự án. Từ năm 2005, Bộ đội Đoàn KT-QP 313, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang hỗ trợ gia đình anh một con bò sinh sản. Con bò được chăm sóc tốt nên sau vài năm đã sinh sôi thành một đàn bò. Anh Tuấn đem bò đổi lấy trâu để tăng cường sức kéo, đồng thời bán bớt để mua sắm một số vật dụng sinh hoạt trong gia đình như ti vi, tủ lạnh... Anh đã sắm được chiếc xe máy để vận chuyển hàng hóa ra chợ bán.

Theo Ban quản lý dự án Đoàn KT-QP 313, để đạt được kết quả như vậy không hề đơn giản, người cán bộ phải tận tụy, gắn bó; đặc biệt, phải biết khắc phục khó khăn, biến khó khăn thành cơ hội để bảo tồn và phát triển dự án. Để bảo tồn con giống ban đầu, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 313 đã thường xuyên cử các đội công tác đến từng gia đình vận động, hướng dẫn bà con cách chăm sóc trâu, bò; đồng thời, tổ chức cho bà con ký cam kết để chăn nuôi tốt trâu, bò giống. 

Thực tế cho thấy với mô hình này, chỉ đầu tư một lần mà vẫn có trâu, bò để nhân rộng ra các gia đình khác. Cứ 5 năm một lần sẽ luân chuyển từ hộ nhận trước sang hộ nhận sau với phương châm “Nhận bò trả bê, nhận trâu trả nghé”. Trong quá trình chăn nuôi, các trí thức trẻ tình nguyện, cán bộ thú y của đoàn sẽ đến kiểm tra, theo dõi thường xuyên, giúp bà con chăm sóc tốt đàn gia súc giống. Nhờ vậy đến nay, hầu hết các hộ nghèo trong vùng dự án ở Hà Giang được hỗ trợ đều phát triển rất tốt đàn trâu, bò của mình, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở vùng cao Hà Giang.
 

Theo QĐND