Thôn vững mạnh

Nằm xa trung tâm xã, trung tâm huyện nhưng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Kỳ Đu vẫn ấm no, an ninh quốc phòng được đảm bảo. Cán bộ và đồng bào ở thôn Kỳ Đu xứng đáng với bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Từ khi có nhà văn hóa, đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Kỳ Đu được tiếp cận nhiều hơn với các chính sách mới của Đảng - Ảnh: M.DUYÊN

 

Ông La Mo Trung cho biết: Hiện toàn thôn Kỳ Đu có 99% nhà được kiên cố hóa, 100% hộ đều được sử dụng điện lưới quốc gia, 95% nhà có hệ thống nghe nhìn, đảm bảo tiếp cận thường xuyên với các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, 98% số hộ đạt gia đình văn hóa... Các hủ tục mê tín dị đoan dần được xóa bỏ, các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của người Chăm H’roi được bảo tồn và phát huy. 

Thôn Kỳ Đu là 1 trong 4 thôn của xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân). Cả thôn có 958ha đất tự nhiên với 92 hộ, 338 khẩu sinh sống, trong đó chủ yếu là người dân tộc Chăm H’roi, chiếm 98%. Đồng hành cùng đồng bào ở thôn Kỳ Đu, trong 5 năm qua, từ những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước như xóa nhà tạm, xây dựng nông thôn mới…, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sinh hoạt cộng đồng trong thôn được đầu tư xây dựng. Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, cho biết: Nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, là nơi sinh hoạt cộng đồng của bà con trong thôn. Nhà văn hóa không chỉ tổ chức các lễ hội truyền thống rộn ràng lời ca, tiếng hát mang đậm văn hóa dân tộc, mà còn là địa điểm tập hợp quần chúng để tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông nội vùng với tổng chiều dài gần 1km đã được bê tông hóa, không chỉ đảm bảo việc đi lại hàng ngày của người dân, mà còn giúp vận chuyển nông sản đến các địa bàn khác.

 

Sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây. Nhờ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nhiều hộ được vay vốn đầu tư chăn nuôi và trồng trọt; đồng thời được tập huấn để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào làm nương rẫy. Trong thôn, diện tích và năng suất cây trồng tăng, tạo ra nhiều việc làm cho con em trong thôn tới tuổi lao động và thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. “Tổng diện tích trồng sắn trong thôn 97ha, cho năng suất bình quân từ 20 đến 21 tấn/ha; diện tích trồng mía 102ha, năng suất đạt 70 tấn/ha. Đây là hai nguồn thu nhập chính giúp người dân trong thôn thoát nghèo bền vững.

 

Bên cạnh đó, để có thêm thu nhập, người dân còn phát triển đàn bò, nhân rộng đàn bò lai. Hiện tổng đàn bò trong thôn có 280 con, với 90% bò lai. Trong 5 năm qua, thu nhập bình quân đầu người trong thôn tăng, cụ thể năm 2009 thu nhập 7,8 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2014 đã là 11,8 triệu đồng/người/năm”, Trưởng thôn Kỳ Đu La Mo Trung cho biết.

 

Còn chị La Lan Hương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Kỳ Đu, chia sẻ: Cuộc sống trong thôn giờ thay đổi nhiều lắm. Từ con đường cho đến những mái nhà, đã khang trang sạch đẹp, chẳng còn cảnh lầy lội, ọp ẹp nữa. Cái mưa cái nắng chẳng tới đầu, nhà nào cũng yên tâm đi làm cái nương, cái rẫy. Thế hệ trẻ giờ nghe thấy chuyện dùng ma lai hại nhau đã là chuyện của quá khứ.

 

Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, nhờ được đầu tư hạ tầng cơ sở, hỗ trợ sản xuất, các hộ đồng bào ở thôn Kỳ Đu đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hiện trong thôn không có hộ còn khả năng lao động rơi vào đói nghèo. Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại đây, UBND huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để tăng sản lượng, chất lượng nông sản. Đồng thời củng cố hệ thống chính trị, đảm bảo trong sạch vững mạnh và phát huy tốt vai trò lãnh đạo, quản lý nhằm giữ vững an ninh trật tự xã hội, để người dân yên tâm làm kinh tế.

HẢI PHONG
Theo: baophuyen.com.vn