Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Bức tranh kinh tế năm 2017 của nước ta vừa xuất hiện tín hiệu đáng phấn khởi, đó là lần đầu tiên sau nhiều năm, số lượng doanh nghiệp tập trung đầu tư, sản xuất, kinh doanh vào khu vực nông nghiệp tăng đột biến.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2017 đã có gần 2.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản được thành lập mới; tăng 3,8% so với năm 2016, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành lên hơn 5.600 doanh nghiệp. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để sản xuất, kinh doanh như TH Truemilk, Vingroup, Massan... Đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần giúp kinh tế nông nghiệp phát triển vượt bậc, với con số kim ngạch xuất khẩu ấn tượng là 36,37 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.

Tuy nhiên, so với các ngành kinh tế khác, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn chiếm vị thế khiêm tốn. Trên thực tế, doanh nghiệp nông nghiệp vừa không mạnh, lại vừa không đông. Theo thống kê của Viện Kinh tế Việt Nam, trước năm 2017, số lượng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nước ta chỉ chiếm khoảng 1% số doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Dù năm 2017, số lượng doanh nghiệp đã tăng thêm gần 2.000 nhưng tỷ lệ vẫn là hết sức nhỏ so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế quốc dân. Chưa kể, bên cạnh những doanh nghiệp mới được thành lập, năm qua cũng đã có một số doanh nghiệp nông nghiệp do nhiều nguyên nhân khác nhau, phải giải thể, phá sản... Đây là thực tế, tuy khắc nghiệt nhưng luôn hiện hữu trong đời sống kinh tế.

Trong khi đó, muốn phát triển kinh tế, phát triển nông nghiệp, các doanh nghiệp phải là những đầu tàu. Vì vậy, duy trì và thu hút thêm đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân quan tâm, đầu tư vào nông nghiệp vẫn là vấn đề cấp thiết. Để giữ chân và tạo dựng lòng tin cho doanh nghiệp, thì trước hết cần tập trung cải cách hành chính để họ yên tâm đầu tư vào ngành. Phối hợp chặt chẽ, coi khó khăn của doanh nghiệp chính là khó khăn của ngành, của địa phương; trên cơ sở đó các bộ, ngành và các địa phương cùng rốt ráo tìm giải pháp tháo gỡ.

Mặt khác, cùng đồng hành với doanh nghiệp, không chỉ riêng ngành nông nghiệp mà cả ngành công thương, tài chính và các ngành khác cần quyết liệt tập trung thực hiện các chỉ đạo, chủ trương của Chính phủ, nhất là tháo gỡ vấn đề cốt lõi: thị trường tiêu thụ trên cả hai khối thị trường nước ngoài và trong nước. Thị trường nước ngoài, chúng ta cần tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết, những nội dung, quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để có thể khai thác tối đa những mặt lợi nhất. Cùng với đó, phải coi thị trường trong nước với 93 triệu dân là đối tượng cần phục vụ và khai thác, vì thị trường này đang có tốc độ phát triển nhanh. Với những hạt nhân và đầu tàu là các doanh nghiệp, ngành nông nghiệp sẽ có cơ hội tiến sâu vào thị trường nông nghiệp, nông thôn và các địa phương để liên kết, hợp tác với các hợp tác xã kiểu mới, huy động được sức mạnh tổng hợp của hơn 10 triệu hộ nông dân trên cả nước.

Trên những cơ sở căn bản này, chúng ta có thể khuyến khích, thu hút cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, đầu tư vào ngành nông nghiệp nhiều hơn, mạnh hơn và sâu hơn... Đây sẽ là cơ sở thuận lợi để thực hiện hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị khép kín từ nguyên liệu, chế biến đến phát triển thị trường.

Theo Nhân dân